Trích 'Đò dọc' (phần 3): Năm người con gái

Ông bà Nam Thành có năm người con gái, lần lượt tên Hương - Hồng - Hoa - Quá - Thơm, dựa theo điệu Bình bán vắn".

Nhờ chị google đọc báo giúp bạn!

Dịp tiểu thuyết Đò dọc của nhà văn Bình Nguyên Lộc tái bản trong tháng 4, VnExpress đăng một số trích đoạn, tên các phần trích do tòa soạn đặt. Trong tác phẩm, Bình Nguyên Lộc sử dụng nhiều phương ngữ Nam bộ.

Ba ngày sau, ông Nam Thành cọp xe đi Vũng Tàu, đến mười giờ đêm sau mới về tới nhà. Sáng ông ngủ dậy rất trưa rồi loay hoay một hơi là tới bữa ăn.

Chiếc bàn tròn xếp, kiểu cắc-chú, được mở ra và đặt ngay giữa nhà bếp, cạnh cái lò. Khói nấu cơm, vì thiếu lối thoát, còn un nghẹt nơi đó.

Cả nhà đều ngồi quanh bàn, trừ cô Hương, con gái lớn của ông bà, còn bận chiên cá bống lăn bột, món ấy cô làm sau hết cho được nóng hổi lúc ăn.

Ảnh minh hoạ sách Đò dọc. Ảnh: NXB Trẻ

Tranh minh hoạ sách "Đò dọc". Ảnh: NXB Trẻ

Mặt đỏ ửng, nước mắt sống chảy ròng ròng vì cay khói, cô Hương vừa vén tóc trán bằng cánh tay, vừa cười nói với mấy cô em:

- Bữa nay tao mới hiểu tại sao bánh xèo mà người Huế lại gọi là bánh khói.

- Vậy hả? - Cô Quá ngạc nhiên hỏi - Họ kêu là bánh khói à?

- Chớ sao.

- Tại sao vậy chị? - Cô Hoa hỏi.

- Tại bánh xèo phải ăn ngay lúc mới lấy ra khỏi chảo mới ngon. Mà muốn ăn ngay, phải ngồi gần chảo, tức là phải ngồi gần khói. Ăn bánh khói, tức là ăn bánh trong đám khói.

Ông Nam Thành cười ha hả:

- Con Hương nó bói ra ma. Tao thì nghĩ khác. Tao tưởng khói là tiếng khoái, nói ngọng theo lối miền Trung. Bánh khói là bánh khoái, ăn khoái miệng lắm.

- Thôi, con rồi thì đem lại ăn luôn con!

Bà Nam Thành sốt ruột con gái lớn của bà bao giờ cũng thiệt thòi, nên thúc giục như vậy.

Cô Hương xúc cá bằng vá dẫy rồi vội vàng đem lại đặt lên trên nệm xà lách xon trong dĩa.

- Chế nước sốt vô, Hồng! - Cô bảo em gái kế như vậy rồi đi rửa tay dính mỡ để ngồi vào bàn ăn.

Người miền Nam ta có nhiều lối đặt tên con rất ngộ nghĩnh. Có lối đặt liền với tên cha, hễ cha tên Sang thì con phải tên Trọng, cha tên Phú thì con phải tên Quí, cha tên Sâm thì con phải tên Nhung.

Có lối đặt liền với nhau. Thí dụ bốn đứa thì đặt: Nết, Na, Đằm, Thắm; năm đứa thì đặt: Cửu, Hạn, Phùng, Cam, Võ.

Ông Nam Thành đặt tên con một cách đặt biệt hơn ai cả, ông dựa theo năm chữ nhạc đầu trong điệu "Bình bán vắn" mà quyết định giọng của chữ tên của con ông.

Hương, Hồng, Hoa, Quá, Thơm.

Ý ông muốn nói: cái hương của hoa Hồng thơm quá! Mà nói bằng điệu câu Bình bán vắn câu đầu.

Điệu "Bình bán vắn" ghép lời bài "Mừng xuân mới" (Phạm Văn Nghi), do Ánh Thoa và Phương Thùy trình bày năm 1989. Video: YouTube Kim Hien Dang

Cứ theo ý chí đó thì ông mà có đặt như vầy cũng vẫn ổn: Con, Cò, Ma, Ốm, Thay!

Hoặc:

Tao, Mầy, Đi, Tắm, Chơi!

Vì bất kể như vậy, hay nói cho đúng ra, vì chỉ kể có giọng bằng, trắc thôi, nên đứa nào xui nấy chịu. Đứa đó là cô con gái thứ năm, cô Quá.

Con gái mà tên Quá, trong khi con nhà khác tên là Lệ Chi, Bích Vân thì có tức hay không? Cái cô Quá nầy khóc mãi vì cái tên kỳ cục của cô.

Được cái là em cô, cô Thơm, chết ngay hồi ba tuổi, cô Quá thành con gái út, được cưng dữ lắm nên cô cũng tự an ủi phần nào.

Là con gái lớn, quán xuyến cả việc nhà, nên Hương ngồi gần bếp để bới cơm và rội thức ăn.

Con cả trong gia đình nào cũng thế, không đẹp lắm, lại hơi thật thà, nếu không đần, tương đối với mấy đứa sau.

Cô Hương năm nay hăm tám, trông hiền hậu quá sức, lù đù như gái quê, và an phận như bất kỳ cô gái luống tuổi nào.

Gương mặt cô chỉ dễ thương thôi. Còn thân hình cô thì hơi đẫy đà. Người ta nói con gái lỡ thời hay phát phì thình lình hoặc đột ngột gầy khô đét khi qua khỏi mức tuổi nào đó. Họ cắt nghĩa sự dư, thiếu thịt ấy như vầy: Trong cơ thể, sự mất thăng bằng do nội hạch (nhứt là hạch sanh dục) bạo động hoặc quá lười. Có lẽ đúng chăng?

Kế Hương là cô Hồng, hăm sáu tuổi. Hồng đẹp nhứt nhà, nhứt xóm, và có lẽ có hạng giữa gái Sài Gòn.

Người con gái hăm bốn là cô Hoa đã bước gần tới lằn mức cuối cùng của sự trổ mã. Cô nầy cũng đẹp, nhưng không quyến rũ bằng cô Hồng kia. Cô Hồng đã nở toàn diện trong sự bừng dậy của nhan sắc một thiếu phụ. Phải, đàn bà còn trẻ khi nào cũng đẹp hơn con gái đương thì. Có ai mê con gái mà tan nhà nát cửa không? Không, chỉ có đàn bà mới làm hại đàn ông được.

Hồng, Hoa rồi đến Quá. Nơi cô Quá, sắc đẹp còn ngập ngừng, những đường cong còn dò dẫm chưa quyết dừng lại nơi đâu cả.

Có thể là cô sẽ đẹp, mà cũng có thể không đẹp bao nhiêu. Sự trổ mã của cô chưa nói lên cái tiếng cuối cùng của nó. Tuy đã hăm hai, cô còn trẻ con cả tính tình lẫn thể chất.

Ba chị em kia đều là gái tân, còn cô Hồng đã viễn du một chuyến trong cuộc phiêu lưu mạo hiểm trên đường tình.

Ca khúc "Đò dọc" (Trầm Tử Thiêng) do Thùy Dương, Ngọc Hân, Dạ Thảo My thể hiện. Truyện "Đò dọc" từng truyền cảm hứng cho nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng viết ca khúc cùng tên. Sách cũng cũng được hãng TFS dàn dựng thành phim truyền hình năm 2015.Video: Pops Music

Một sự so le nổi bật lên giữa vợ chồng ông Nam Thành. Bà thì cao trộm, và phục phịch như bao gạo chỉ xanh. Ông lại len lén thấp, và ốm như người ghiền á phiện. Phải chăng sự lấn lướt của bà vợ là nguyên nhơn của việc đẻ toàn con gái?

- Sớm mai, con đi trên đường Tự Do, thấy buồn quá. - Cô Quá bắn phát súng đầu tiên như thường lệ. Nội nhà chỉ có cô là nói nhiều hơn cả.

- Đường đó là đường Tây buôn bán. Tây nó cuốn gói hết thì tự nhiên là đường phải buồn. - Tiếng vang đầu tiên phát ra từ miệng cô Hoa, một cái miệng ba hoa thứ nhì trong gia đình.

- Mà ba má à, con thấy anh Viết đứng chụp hình dạo trên đó, trước nhà hát Tây.

- Thiệt vậy hả? - Bà Nam Thành ngạc nhiên hỏi - Trời ơi, sao xuống lẹ dữ vậy? Mà ai lại đường đường một anh thầu khoán mà...

- Bà lầm, cuộc đời giống hệt như đi xe ô tô buýt. Đi ô tô buýt mà đeo được bàn đạp để đến nơi là chúa lắm rồi. Còn biết bao nhiêu người đeo không được phải ở lại vỉa hè, dưới trận mưa! Kiếm được một nghề, dầu nhỏ mọn, để mà sống, là giỏi lắm đó, đừng có chê.

Cô Hoa cười giòn mà rằng:

- Nhà mình mấy năm trước đi xe ô tô buýt đời, ngồi ghế có nệm. Bây giờ đứng bàn đạp, mà chỉ đứng một chơn thôi.

- Ba so sánh hay lắm. - Cô Quá khen - Cuộc sống giống hệt đi ô tô buýt về mọi mặt. Lên tại bến thì lấn nhau không còn biết xấu hổ gì cả, miễn tìm được ghế! Phần đông đi tới đích, mà có người cũng xuống dọc đường, đó là những kẻ suy sụp hay bị tử thần rước sớm. Trên xe cũng có những may mắn, hên xui. Có lần con đứng gần một bà cụ. Chỉ đứng bậy vậy thôi, không mong mỏi gì. Thế mà qua hai trạm thì bà cụ xuống xe, con được ghế, thích quá, thích như ông bà Công nhờ có người trước chết mà được bầu thủ quĩ hội ái hữu Bạc Liêu, mặc sức lấy tiền quĩ mà chơi hụi.

Cô Hồng nãy giờ làm thinh, xen vào một nhận xét:

- Nhưng có khác là trên ô tô buýt, có đờn ông nịnh đầm, còn trên cuộc tranh sống thì không.

- Nịnh gì? Bây giờ có ai thèm nịnh đầm nữa đâu. Họ nói mình đòi nữ quyền tức là tự xét bằng họ rồi, nên họ không thèm nịnh mình nữa.

Cả bốn cô gái đều cười xòa.

Phần 1. Phần 2. Còn tiếp...

Bìa tiểu thuyết Đò dọc. Sách 300 trang, xuất bản lần đầu năm 1959. Ảnh: NXB Trẻ

Bìa tiểu thuyết "Đò dọc". Sách 300 trang, xuất bản lần đầu năm 1959, vừa được NXB Trẻ tái bản. Ảnh: Nhà xuất bản Trẻ

Tác giả Bình Nguyên Lộc tên thật là Tô Văn Tuấn, xuất thân trong một gia đình có mười đời sống tại Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa (nay là tỉnh Bình Dương). Không chỉ là nhà văn lớn, ông còn là nhà văn hóa Nam bộ trong giai đoạn 1945-1975, nghiên cứu về dân tộc học, ngôn ngữ và cổ văn. Trong sự nghiệp, tác giả có khoảng 50 tiểu thuyết, 1000 truyện ngắn và bốn cuốn sách nghiên cứu như Mưa thu nhớ tằm, Cõi âm nơi quán cây dương, Mối tình cuối cùng, Tân liêu traiHương quê. Một số tác phẩm của ông chưa kịp in đã bị thất lạc, hủy hoại trong chiến tranh.

(Trích sách Đò dọc, NXB Trẻ)