Trích 'Đò dọc' (phần 2): Kế sinh nhai

Ông bà Nam Thành kiếm tiền nhờ bán rương và vali cho quân nhân, nhưng có nguy cơ phá sản khi lính Pháp rút khỏi Việt Nam.

Nhờ chị google đọc báo giúp bạn!

Nhà ông Nam Thành ở trong ngõ hẻm ba mươi căn đường Võ Tánh, ngang hông thành Ô Ma. Ông ở căn bìa hết và chuyên bán rương và vali da cho quân nhân Pháp.

Trước kia ông là thầy giáo Hải, giáo làng, ở một xó hẻo lánh trong tỉnh Bạc Liêu. Hai vợ chồng trôi giạt lên Sài Gòn với bốn đứa con gái, một gói áo quần cũ và hai bàn tay không.

Gia đình ở đậu nhà người bà con, tại căn nhà bây giờ.

Nhờ cần cù và may mắn, nhất là may mắn, hai vợ chồng dành dụm được chút ít, trong khi người bà con nướng sạch cả của cải trong Kim Chung.

Thành ra không bao lâu, người bà con ấy nhường đứt luôn căn nhà lại cho ông giáo Hải.

Tiểu thuyết Đò dọc, xuất bản lần đầu năm 1959. Ảnh: Nhà xuất bản Trẻ

Tiểu thuyết "Đò dọc", xuất bản lần đầu năm 1959. Ảnh: Nhà xuất bản Trẻ

Người trong xóm phần đông là me Tây, thứ me hơi sang sang, nên mới được các đức phu quân mướn phố gạch cho mà ở.

Ông giáo Hải quan sát nhận ra điều nầy, là những cô me Tây ấy thường đổi chủ tùy theo sự thuyên chuyển của các đức phu quân.

Họ được giao tận tay cho người thừa kế, bên đi bên lại, rua nhau rất thân mật, gởi gắm cô nàng rất ân cần.

Vì vậy, ông giáo nảy ra sáng kiến bán rương da. Ông đếm rương của xưởng thợ người miền Bắc, rồi bán lẻ tại đây mà ăn lời.

Môi giới là những cô me Tây ấy; họ ăn chia với nhau và đồng lòng cùng nhau mà đập các quân nhân dễ tính trong công việc mua sắm kia.

Những ngày khói lửa sau cái hôm hãi hùng ấy trải qua như một cơn ác mộng. Rồi câu tục ngữ Pháp "Sau mưa thì nắng" sao mà nghe đúng như bon.

Quả thế, mấy tháng sau đó, vợ chồng ông Nam Thành phát tài lạ. Tây nó mua rương nhiều gấp ba mọi khi, mà không cần trả giá cho lắm.

Ông Nam Thành nhận thấy điều nầy nữa là bà me Tây nào tiễn chồng là trở về với chăn đơn gối chiếc chớ không có người hứng hoa rơi như trước nữa.

Ông không quen nghĩ xa, nên cứ làm ăn được ngày nào là mừng ngày nấy thôi.

Vào tháng thứ ba, ông bán thôi không hở tay. Ông không ngạc nhiên, vì có tin chánh thức là quân đội Pháp sẽ rút toàn diện.

Tuy chỉ tham gia kháng chiến có một năm thôi, ông Nam Thành vẫn ao ước độc lập và mong đợi sự triệt thối ấy từ hơn mười năm nay.

Bây giờ mộng ông đã thành sự thật thì còn gì thích bằng. Thích hơn nữa là Tây ra mà tiền lại vô. Vô rất nhiều. Vui lắm! Những trò xảy ra chung quanh ông cũng rất khôi hài để tăng thơ thới nơi lòng ông. Các cô me Tây làm mối ăn tiền đầu, mà mỗi lần đưa tay lấy tiền là khóc bù lu bù loa. Nào là "Thằng chả đi luôn thì tụi em đây khổ bỏ mẹ". Nào là "Tiền nầy là tiền vớt, tiền vát, nuốt thì nó nghẹn vì thương ai, mà không nuốt thì sẽ không có mà nuốt nữa".

Ca khúc "Đò dọc" (Trầm Tử Thiêng) do Thùy Dương, Ngọc Hân, Dạ Thảo My thể hiện. Truyện "Đò dọc" từng truyền cảm hứng cho nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng viết ca khúc cùng tên. Sách cũng cũng được hãng TFS dàn dựng thành phim truyền hình năm 2015.Video: Pops Music

Một cô nói: "Mình đi chung một xuồng, ông Nam Thành hớ. Hễ tụi em mà chìm, thì ông cũng chìm tuốt theo".

Nghe câu nầy ông Nam Thành giựt mình. Nhưng cái nguy xa lấn sao được cái đắc thắng gần. Và qua cái tháng làm ăn rần rộ đó, ông mới thấy lời ấy là đúng.

Hai vợ chồng ông Nam Thành ở lại ăn lần tiền lời kiếm được một cách vội vàng kia.

Một năm qua...

- Vỡ nợ rồi!

- Ai vỡ nợ?

- Ông Đỗ Mạnh Tánh chớ ai.

- Tánh nào?

- Bán thực phẩm cho nhà binh Pháp, đường Yersin đó mà.

- À, nhớ rồi, có bà vợ còn trẻ ấy à?

- Ừ.

- Trời, sao mà mới có một năm...

- Thì ăn xài to, lại đổi nghề trong khi chưa sành trong ngành hoạt động mới.

- Chỉ có mình là khôn. Ở không, nghĩ lằm rằm mà hay.

- Hay gì. Thì cũng chết như nhau. Người ta loi nhoi thì phải lăng đùng ra mà chết. Còn mình nằm yên không cục cựa thì sẽ chết lần, chết mòn, đằng nào cũng chết cả.

- Lạ quá, ngày xưa, không có quân đội Pháp, sao không ai chết. Bây giờ có, mà hễ nó đi là áp nhau mà la làng.

- Có gì lạ đâu. Là tại mình ăn bám nó. Đứa nào không ăn bám nó, vẫn sống nhăn. Hội Đồng Thời bên Rạch Giá, bây giờ chạy xe đò Sài Gòn - Bình Dương đó, có chết đâu, tuy cũng mệt chút ít thôi.

- Không chết mà cũng mệt. Tại sao lạ vậy?

- Là tại đời bây giờ cái gì cũng dính liền với nhau không thể tách riêng được. Nầy nhé: Tây nó đi, thì các quán rượu đóng cửa. Nhân viên các quán rượu ấy không có tiền ăn phở nữa. Anh hàng phở, vì thế hết xu để đi xe. Các me Tây không may áo, không bỏ giặt ủi nữa thì hiệu may, hiệu giặt ngưng hoạt động, thợ may, thợ giặt không đi coi cải lương, cải lương sụt rờ sết, đào kép bớt mua báo, báo ế, vân vân...

Thảm lắm! Mấy năm trước hễ mình đón tắc xi là y như bên cạnh mình cũng có người đang đón. Xe ngừng khi mình đứng dang nắng muốn rụt giò là mình và họ tranh nhau mà lên xe, cãi lộn om trời. Ngày nay thì khác xa: Bà đưa tay ngoắc một cái là ba bốn chiếc tắc xi xề lại, bác tài nào cũng quả quyết là mình kêu họ trước. Thật là: Thân nầy nếu xẻ làm tư được.

- Sao hồi đó ông cứ vái cho nó đi. Phải nó không đi có phải là...

- Bà đừng nói bậy. Nó phải đi thì dân ta mới ngóc đầu lên nổi. Còn tụi ăn bám như mình, muốn khỏi chết thì đổi nghề, chớ có gì đâu. Khi một số đông không ăn bám vào chỗ nào được nữa, thì cố nhiên có rối loạn. Trật tự cũ bị xáo trộn cả. Những phần tử bị hất ra đó, vì bản năng tự tồn sẽ cố tìm nẻo mà chui rồi lần lần trở về lối sống cũ trước ngày ăn bám, và tình trạng sẽ ổn định lại như xưa. Có điều là phải bỡ ngỡ khổ sở, khó khăn lúc mới bị xô ra, nhưng phải cắn răng mà chịu chớ kêu ca với ai, ai biểu mình ỷ lại làm chi.

- Ông nói nghe dễ ợt. Sao không giỏi đổi nghề thử coi!

- Thì đổi. Bà tưởng trong một năm nay, tôi yên phận nằm ỳ ở đây sao. Tôi tính nát trí mà chưa ra đó chớ.

- Một năm mà vẫn không ra, thì ba năm nữa, chắc cũng chẳng ra!

- Bà đừng có vội. Người ta nói bôn ba không qua thời vận. Bà thấy không, tụi tư Minh, sáu Chẩn, chạy theo Tây ra Cấp bây giờ cũng triệt thối về Sài Gòn, mà còn méo mặt nữa chớ.

À, nói Cấp, tôi mới nhớ ra. Anh Phán Tân ảnh rủ mình đi Cấp, đi hết nội nhà, đi xe của ảnh.

- Ở ngoải mấy bữa?

- Thì đi chiều thứ bảy, chiều chúa nhật trở về. Ảnh phải đi làm sáng thứ hai.

- Thôi đi ông. Cái đó là đi dang nắng chớ có phải đi nghỉ mát đâu. Ra tới ngoải rồi suốt đêm phải chịu nhức đầu do đi nắng đó. Bữa sau phải chịu cơn nhức đầu bận về nữa. Mẹ con tôi ở nhà còn sướng hơn.

- Nhưng tôi đã hứa lỡ rồi.

- Thì ông đi một mình.

Phần 1. Còn tiếp...

Bình Nguyên Lộc tên thật là Tô Văn Tuấn, xuất thân trong một gia đình có mười đời sống tại Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa (nay là tỉnh Bình Dương). Không chỉ là nhà văn lớn, ông còn là nhà văn hóa Nam bộ trong giai đoạn 1945-1975, nghiên cứu về dân tộc học, ngôn ngữ và cổ văn. Trong sự nghiệp, tác giả có khoảng 50 tiểu thuyết, 1000 truyện ngắn và bốn cuốn sách nghiên cứu như Mưa thu nhớ tằm, Cõi âm nơi quán cây dương, Mối tình cuối cùng, Tân liêu traiHương quê. Một số tác phẩm của ông chưa kịp in đã bị thất lạc, hủy hoại trong chiến tranh.

(Trích sách Đò dọc, NXB Trẻ)