Phim 'Sáng đèn' im lìm khi trở lại rạp

Sau lần rút khỏi đường đua phim Tết, phim đề tài cải lương 'Sáng đèn' trở lại rạp từ tối 20/3 nhưng hiệu ứng không tốt, suất chiếu ít và doanh thu thấp; khiến đạo diễn và nhà sản xuất tiếc nuối.

Nhờ chị google đọc báo giúp bạn!

Theo khảo sát của Ngôi Sao, phim Sáng đèn có lượng suất chiếu ở mức trung bình tại các hệ thống rạp chiếu ở TP HCM. Mỗi cụm rạp CGV, Lotte Cinema, Galaxy Cinema, Cinestar xếp cho phim hai đến ba suất chiếu mỗi ngày. Ở một số rạp, phim chỉ có một suất chiếu.

Tại một số cụm rạp có giá vé bình dân hơn như Đống Đa Cinema, BHD, phim có nhiều suất chiếu hơn, với 5 hoặc 6 suất mỗi ngày. Riêng các rạp MegaGS - chung hệ thống với đơn vị sản xuất phim - ưu ái cho phim 8 đến 10 suất.

Ở Hà Nội, cơ hội Sáng đèn tiếp cận với khán giả khó hơn, chỉ với một đến ba suất mỗi ngày ở mỗi cụm rạp. Lý do là vì phim có câu chuyện về nghệ thuật cải lương và cuộc đời nghệ sĩ cải lương, không quá gần gũi với công chúng phía Bắc. Giờ chiếu của phim cũng không lý tưởng, khi chủ yếu rơi vào khung giờ hành chính (9h, 10h, 15h) và sau 21h.

Theo số liệu từ Box Office Vietnam (đơn vị theo dõi phòng vé Việt), đến trưa 27/3, Sáng đèn thu về chưa tới 2,5 tỷ đồng. Con số này bao gồm cả hơn 715 triệu đồng phim kiếm được trong Mùng 1 và Mùng 2 Tết Giáp Thìn, trước khi rút lui khỏi rạp.

Khi trình làng đợt Tết, Sáng đèn được một bộ phận khán giả dành sự quan tâm, viết bài bình luận trên Facebook. Tuy nhiên khi trở lại, phim hoàn toàn vắng bóng trong các cuộc thảo luận trên các diễn đàn, hội nhóm phim ảnh. Giữa cơn sốt của Exhuma: Quật mộ trùng ma từ điện ảnh Hàn Quốc, Kungfu Panda của Hollywood và sắp tới là cuộc đổ bộ của bom tấn Godzilla x Kong: Đế chế mới, phim được xem là mất hút.

NSƯT Hữu Châu hóa thân ông bầu đoàn cải lương, Cao Minh Đạt, Lê Phương, Bạch Công Khanh và Trúc Mây thể hiện hình ảnh các đào, kép cải lương.

NSƯT Hữu Châu hóa thân ông bầu đoàn cải lương, Cao Minh Đạt, Lê Phương, Bạch Công Khanh và Trúc Mây thể hiện hình ảnh các đào, kép cải lương.

Trả lời Ngôi Sao, bà Vũ Thị Bích Liên - giám đốc sản xuất của phim - cho hay khi mới trở lại rạp, Sáng đèn có số suất chiếu không quá thấp, nhưng vì tỷ lệ lấp đầy của phim thấp, các nhà rạp giảm suất chiếu. Giờ chiếu khó đón khách càng làm doanh thu của phim khó cải thiện.

Nhà sản xuất buồn khi phim có đủ yếu tố tình cảm, gia đình, tình yêu và hài; được đầu tư chỉn chu và nghiêm túc nhưng không được khán giả quan tâm. Bà cho rằng việc khán giả không mặn mà sẽ khiến các nhà sản xuất, đạo diễn khác dè dặt với dòng phim về văn hóa truyền thống.

Đối với chiến lược quảng bá để phim thu hút khán giả hơn, bà Bích Liên cho hay: "Những gì cần làm chúng tôi đã làm. Tôi không thể nghĩ ra làm gì hơn nữa để khán giả đến rạp, vì đây là sản phẩm văn hóa dân tộc, không có yếu tố gây sốc để PR. Nếu chúng tôi cố tình làm sẽ rất phản cảm".

Nhà sản xuất không muốn tiết lộ kinh phí đầu tư và doanh thu cần có để hòa vốn của phim, bởi đây là tác phẩm tâm huyết của êkíp, đặc biệt là một số nghệ sĩ cải lương góp mặt trong phim; đồng thời là sản phẩm tri ân môn nghệ thuật truyền thống. "Nói không buồn thì không đúng nhưng doanh số là thứ yếu. Tôi biết kinh doanh phải chấp nhận lời - lỗ", bà nói thêm.

Bà Liên cho biết nhà sản xuất đã bán phim cho một nền tảng trực tuyến từ trước khi phim ra rạp, nhưng lịch phim chiếu online chưa được ấn định. Ngoài ra, họ đang cân nhắc việc phát hành phim ở thị trường nước ngoài, để phục vụ bà con kiều bào.

Đạo diễn Hoàng Tuấn Cường (phải) cùng dàn diễn viên giao lưu với khán giả xem Sáng đèn tại một số rạp của TP HCM, miền Tây trong ba ngày cuối tuần trước.

Đạo diễn Hoàng Tuấn Cường (bìa phải) cùng dàn diễn viên giao lưu với khán giả xem 'Sáng đèn' tại một số rạp của TP HCM, miền Tây trong ba ngày cuối tuần trước.

Buồn vì đứa con tinh thần không được đón nhận, đạo diễn Hoàng Tuấn Cường bày tỏ: "Tôi biết các nhà rạp xếp suất chiếu theo nhu cầu của khán giả. Chúng tôi nghe nhà rạp phản ánh nhiều người trẻ thấy phim nói về cải lương thì không hứng thú. Tôi tin tệp khán giả của phim Việt vẫn có. Nếu phim ra mắt thời điểm ít sự cạnh tranh, khán giả có thể sẽ xem thử. Nhưng không may thời điểm này, bom tấn Kungfa Panda vẫn ăn khách và phim Exhuma: Quật mộ trùng ma tạo làn sóng mạnh quá. Cơn sốt của bộ phim Hàn Quốc là chuyện bất ngờ với chúng tôi. Điều này gây bất lợi cho phim".

Theo đạo diễn, dàn diễn viên trong phim cũng cảm thấy buồn và thương cho đạo diễn, nhà sản xuất. Nhưng họ tự hào góp mặt trong phim. Anh tâm sự thêm: "Niềm an ủi với chúng tôi là đa số khán giả xem xong dành đánh giá tích cực. Nhiều người kêu gọi khán giả đến rạp, giải thích phim không nặng về trình diễn cải lương, mà tái hiện cuộc đời của người nghệ sĩ theo đoàn cải lương".

Câu chuyện của Sáng đèn trải dài từ thập niên 1990 đến những năm đầu 2000. Trước sự thay đổi của nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, đoàn cải lương Viễn Phương phải chuyển mình thành gánh tạp kỹ, bôn ba nhiều tỉnh thành Nam Bộ lưu diễn mưu sinh. Từ ông bầu đến các nghệ sĩ làm đủ nghề để chăm lo cho đoàn.

Diễn viên chính của phim gồm Lê Phương, Cao Minh Đạt, Bạch Công Khanh, Trúc Mây. Nhiều tên tuổi lớn của làng sân khấu đóng vai phụ hoặc làm khách mời, như NSƯT Lê Thiện, NSND Hồng Vân, NSƯT Hữu Châu, nghệ sĩ Chí Tâm, NSƯT Kim Tử Long...

Bộ phim kể chuyện nhẹ nhàng, tình cảm, hài hước, mang lại cảm giác đễ chịu cho người xem. Tuy nhiên, chất điện ảnh của phim không mạnh, với lối kể chuyện rề rà và cũ, giống phim truyền hình. Tác phẩm cũng còn nhiều "sạn" về hình ảnh.

Trailer phim 'Sáng đèn'

Phong Kiều