Phát huy giá trị di sản thế giới cần đặt trong mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế

VTV.vn - Để biến di sản thành tài sản phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, cần phải khơi thông hành lang pháp lý để rộng đường cho việc phát huy các danh hiệu di sản thế giới.

Nhờ chị google đọc báo giúp bạn!

Tại kỳ họp lần thứ 46 diễn ra ở Ấn Độ, Chủ tịch Ủy ban Di sản thế giới đã thông qua quyết định chính thức đồng thuận với các nội dung đề xuất của Việt Nam về định hướng, tầm nhìn nghiên cứu, bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long. Tại sự kiện này, Ủy ban Di sản thế giới ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong quá trình thực hiện toàn bộ cam kết của Chính phủ Việt Nam từ khi di sản được ghi danh, trên cơ sở bảo đảm đúng các quy định của Công ước di sản thế giới, phát huy hơn nữa giá trị nổi bật toàn cầu của di sản.

Tính đến nay, Việt Nam có 65 danh hiệu UNESCO. Về số lượng các danh hiệu di sản được tổ chức UNESCO vinh danh, nước ta thuộc Top 10 trên thế giới. Bảo tồn và phát huy giá trị các danh hiệu di sản UNESCO ở các địa phương đã đạt được nhiều thành tựu. Đó là vừa bảo vệ được những giá trị toàn cầu nổi bật của di sản vừa phát huy những giá trị tinh thần và lựa chọn con đường phát triển bền vững cho di sản. Câu chuyện tại Huế - di sản văn hóa thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO ghi danh - đã minh chứng cho điều đó.

Nếu Thừa Thiên Huế là thành phố một điểm đến, 7 di sản thì Hà Nội là thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo sở hữu nhiều di sản thế giới, trong đó nổi bật là Hoàng Thành Thăng Long. Ninh Bình phấn đấu trở thành đô thị di sản thiên niên kỷ hay Hội An là đô thị du lịch quốc gia… Những điều này đã thể hiện tầm nhìn của các địa phương trong khai thác giá trị danh hiệu di sản. 

Trước dịch COVID-19, các di sản thế giới ở Việt Nam đã đón hơn 18,2 triệu lượt khách, với tổng doanh thu từ vé thăm quan dịch vụ đạt 1.800 tỷ đồng. Để biến tiềm lực thành nguồn lực, di sản thành tài sản phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, cần phải khơi thông hành lang pháp lý để rộng đường cho việc phát huy các danh hiệu di sản thế giới.

“Phải chú ý đến nhu cầu của cộng đồng, không phải chỉ phục vụ nhiệm vụ quản lý mà còn phải tạo ra không gian văn hóa một cách thoáng nhất để cộng đồng thực hiện được. Như vậy, luật mới hiệu lực thực tiễn”, PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia chia sẻ.

Việt Nam hiện là một trong 11 quốc gia được UNESCO lựa chọn để triển khai thí điểm Bộ chỉ số văn hóa, gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trên 22 tiêu chí. Chỉ khi di sản được đặt trong tổng thể các mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, giữa bảo tồn và phát triển thì nó sẽ trở thành sức mạnh nội sinh cho dân tộc và tăng cường sức mạnh mềm của Việt Nam.