Nơm cá, chiếu hoa lên sân khấu ballet

Mong muốn đưa nghệ thuật tinh hoa đến gần với công chúng, các nghệ sĩ hòa trộn câu chuyện đời sống, chất liệu văn hóa dân gian người Việt với múa ballet và nhạc giao hưởng trong vở diễn 'Dó'.

Nhờ chị google đọc báo giúp bạn!

Tác phẩm được sáng tạo bởi bộ ba tác giả: đạo diễn - nhà sản xuất Hương Na Trần, NSƯT - "hoàng tử ballet Việt Nam" Phan Lương và biên đạo múa Vũ Ngọc Khải. Trên nền nhạc Four Season (Bốn mùa) có tuổi đời 300 năm của nhà soạn nhạc Vivaldi, vở diễn kể câu chuyện về đời sống thường nhật và dân dã Việt Nam.

Đạo diễn Hương Na Trần cho biết không phải chương trình đầu tiên kết hợp văn hóa Việt Nam với nghệ thuật cổ điển châu Âu. Áp lực của chị và êkíp là mang đến làn gió mới so với các tác phẩm từng ra mắt. Chị cho rằng nếu dùng nhạc dân tộc Việt Nam làm nền, vở diễn dễ dàng khơi gợi không khí, cảm giác thuần Việt cho khán giả. Thay vào đó, êkíp lựa chọn thử thách với một tác phẩm giao hưởng kinh điển Italy.

Nơm bắt cá của Việt Nam bước lên sân khấu ballet.

Nơm bắt cá của Việt Nam trên sân khấu ballet.

Bản nhạc gốc đưa người nghe tuần tự đi qua bốn mùa xuân, hạ, thu đông. Còn trong bản phối mới của Dó, Four Season sẽ kể chuyện ngược lại theo trình tự đông, thu, hạ, xuân. 18 nghệ sĩ trình diễn đều là vũ công ballet chuyên nghiệp. Họ tuân thủ các nguyên tắc biểu diễn của ballet, nhưng trang phục, đạo cụ và hình ảnh mô phỏng trên sân khấu hoàn toàn là "quốc hồn quốc túy" Việt Nam.

mở màn bằng hình ảnh nơm bắt cá. Các tác giả cho rằng hình ảnh cái nơm khá giống với tùng váy của quý tộc châu Âu cách đây ba thế kỷ. Trên sân khấu, các nghệ sĩ tái hiện hình ảnh những người bà, người mẹ tảo tần bắt tôm, bắt cá nuôi con, nuôi cháu. Sau đó, cái nơm được biến tấu thành mũ đội đầu che mưa che nắng cho người nông dân. Có lúc, nơm được úp ngược lại, trở thành hình ảnh giống như vương miện của hoàng đế, ám chỉ sự thành công, được mùa.

Vở diễn kết hợp ballet, nhạc giao hưởng, ánh sáng, màn hình led nhưng câu chuyện mang âm hưởng dân dã Việt Nam.

Vở diễn kết hợp ballet, nhạc giao hưởng, ánh sáng, màn hình led nhưng câu chuyện mang âm hưởng dân dã Việt Nam.

Góp mặt trong vở diễn này, nghệ sĩ đương đại Hà Tứ Thiên mang những chiếc nơm cá trên lưng, thể hiện động tác di chuyển cực nhọc, ngụ ý con người oằn mình gánh gồng sóng gió. Ở chương mùa thu, êkíp hạ từ trên xuống một chiếc chiếu hoa ngày cưới khổng lồ. Hai nghệ sĩ diễn quấn quýt như hình ảnh long phụng in trên chiếu ngày cưới. Chương mùa xuân cho thấy cảnh tượng mùa màng tốt tươi, gửi gắm những hy vọng.

Điểm xuyết ở một vài góc nhỏ của vở diễn, nghệ sĩ opera không hát lời cụ thể, chỉ ngân nga để mở không gian. Các nghệ sĩ cũng có lúc xuống khán đài, tương tác với khán giả. Theo lời đạo diễn Hương Na Trần, vở diễn sẽ có các chi tiết phái sinh, gắn liền đời sống và văn hóa của từng địa phương, nơi vở diễn ra mắt. Chị cân nhắc mô phỏng hình ảnh cổng lá dừa ngày cưới khi vở diễn đến khu vực miền Nam; trình diễn trên bè cá, ở giữa các du thuyền du lịch Hạ Long...

Nghệ sĩ Hà Tứ Thiên mang nơm cá đội cho các đại sứ châu Âu trong đêm diễn của Dó tại Hà Nội.

Nghệ sĩ Hà Tứ Thiên mang nơm cá đội cho các đại sứ châu Âu trong đêm diễn của 'Dó' tại Hà Nội.

Theo nhãn quan của công chúng Việt Nam lâu nay, ballet là môn nghệ thuật tinh hoa, hàn lâm và khó cảm thụ. Đạo diễn Hương Na Trần không phủ nhận chị có phần lo ngại về sự e dè của khán giả khi tiếp cận thông tin về Dó. Tuy nhiên, chị không lo sợ tác phẩm không thể đến được với khán giả đại chúng. Đạo diễn cho hay ballet là chất liệu chính của Dó, vở diễn còn kết hợp nhiều yếu tố cách tân để trở nên đương đại, không thách thức sự hiểu và cảm thụ của người xem.

Tại buổi diễn đầu tiên ở Nhà hát Lớn Hà Nội hôm 10/5, đạo diễn tự hào khi được các chính khách châu Âu và giới mộ điệu Việt Nam đón nhận. Vở diễn sẽ ra mắt khán giả TP HCM trong hai ngày 5-6/7 và trình diễn tại Hạ Long, Hải Phòng trong tháng 8. Sau đó, sẽ cập bến Đức và Thụy Điển. Mục tiêu của những người sản xuất là đưa tác phẩm đến với nhà hát Versalles tại Pháp. Năm sau, vở diễn tiếp tục được làm mới để tiếp cận công chúng châu Âu trong năm 2025.

Song song với lịch trình lưu diễn thương mại, đạo diễn Hương Na Trần cùng các cộng sự triển khai kế hoạch đưa vào môi trường học đường, trước mắt là một số trường THPT quốc tế và trường đại học. Đạo diễn cho biết niềm mong mỏi này xuất phát từ chính các con của chị. Chị nói: "Các con tôi hiện cũng tìm hiểu nhiều về nghệ thuật cổ điển. Tôi muốn tạo nền tảng nghệ thuật tốt hơn cho các bạn trẻ. Chúng tôi tạm quên vấn đề lợi nhuận, chỉ muốn các nghệ sĩ cảm thấy sống được với nghề và nhận thù lao xứng đáng với những gì họ bỏ ra".

Ba tác giả của vở diễn Dó.

Ba tác giả của vở diễn 'Dó'.

Phong Kiều