Nỗ lực hồi sinh những“akiya” có nguy cơ bị xóa sổ

Trên khắp đất nước Nhật Bản, ở những vùng nông thôn, núi sâu hay thung lũng xanh tươi, không khó để bắt gặp nhiều tòa nhà bị bỏ hoang. Ở Nhật Bản, những ngôi nhà như vậy được gọi là “akiya” - ngôi nhà không còn người ở.

Nhờ chị google đọc báo giúp bạn!

Nanmoku, nơi có 67% dân số trên 65 tuổi. Ảnh: AL JAZEERA
Nanmoku, nơi có 67% dân số trên 65 tuổi. Ảnh: AL JAZEERA

Người ta ước tính có khoảng 9 triệu “akiya” ở Nhật Bản - một đất nước đang già hóa nhanh chóng và chứng kiến ​​làn sóng di cư ổn định của những người trẻ tuổi rời bỏ vùng nông thôn đến các thành phố lớn. Đây là cuộc khủng hoảng dân số mà Nhật Bản đã phải vật lộn trong gần một thế hệ, và điều này thể hiện rõ nhất ở ngôi làng có dân số già nhất cả nước là Nanmoku, nơi có 67 % dân số hiện nay đã trên 65 tuổi.

Từng là một cộng đồng thịnh vượng ở vùng núi sâu trong đảo lớn Honshu của Nhật Bản, cách Tokyo khoảng 100km về phía Tây, nhưng trong vài thập niên gần đây, cộng đồng này đã suy thoái nhanh chóng. Đây cũng là 1 trong 20 cộng đồng ở tỉnh Gunma mà các chuyên gia cho rằng có thể biến mất vào năm 2050.

Cách đó nửa giờ lái xe qua những con đường đồi núi quanh co và đường hầm, thị trấn Kanna lân cận cũng đang phải chịu sự suy thoái tương tự, nhưng may mắn thay, tương lai của thị trấn này lại được hồi sinh nhờ việc tình cờ phát hiện và khai quật ra hóa thạch khủng long phong phú từ Kỷ Phấn trắng vào giữa những năm 1980. Khám phá từ quá khứ tiền sử này đã giúp chính quyền địa phương phát triển nơi đây thành một điểm thu hút khách du lịch, có ngày đón hơn 1.000 du khách. Nhiều gia đình đến tham quan và sau đó đến những nơi gần đó như khu cắm trại của thị trấn và dòng sông xinh đẹp để tham gia các hoạt động giải trí.

Ước tính Nhật Bản có khoảng 9 triệu ngôi nhà bị bỏ hoang khi các vùng nông thôn đang phải vật lộn với tình trạng dân số suy giảm nhanh chóng. Tỷ lệ này còn cao hơn cả Mỹ và châu Âu. Tại nhiều thành phố trên khắp cả nước, chính quyền cũng đưa ra những giải pháp sáng tạo khác nhau như: trợ cấp tiền thuê nhà cho bất kỳ người mới nào đến ở, thu hút giới nghệ sĩ, người làm việc tự do đến ở khi họ có thể làm việc và chỉ cần Internet. Thậm chí tại nhiều nơi, các dự án nghệ thuật cũng được thành lập. Nhiều ngôi nhà bỏ hoang đã được các nghệ sĩ biến thành các tác phẩm nghệ thuật.

Với sự suy tàn liên tục của các ngôi làng, có vẻ như có một sự chấp nhận mang tính định mệnh rằng những ngôi làng này và các cộng đồng khác ở tỉnh Gunma có thể phải sáp nhập. Thà rằng bị sáp nhập vào những người hàng xóm có khả năng tồn tại mạnh hơn, nếu không phải chấp nhận rằng thời của làng mình đã kết thúc. Như tiệm bánh của gia đình cụ Masayuki Kaneta, 85 tuổi ở làng Nanmoku, phần lớn hoạt động buôn bán hiện nay đến từ những người ở các cộng đồng lân cận. Dòng họ Kaneta của cụ có mặt tại ngôi làng Nanmoku từ cách đây 140 năm.

Nhằm góp phần giảm tình trạng quá tải ở khu vực Tokyo và phục hồi các vùng nông thôn và vùng xa xôi đang có nguy cơ bị xóa sổ, chính phủ từng trả cho các gia đình 1 triệu yen cho mỗi trẻ em để chuyển khỏi Tokyo tìm kiếm cuộc sống mới ở những vùng có đồng cỏ xanh hơn. Tiến sĩ Chie Nozawa, chuyên gia khoa học kỹ thuật tại Đại học Tokyo, dự đoán vấn đề “akiya” sẽ còn lan rộng ra cả những khu vực trung tâm của các thành phố lớn nếu không tìm được giải pháp hồi sinh các khu dân cư cũ trong tình trạng dân số đang suy giảm nhanh chóng.

HẠNH CHI