Mùa sân khấu buồn

Hằng năm, cứ đến mùa mưa là sân khấu buồn bã hơn vì trở ngại thời tiết khiến khán giả ngại ra ngoài. Năm nay vừa mưa vừa đụng giải bóng đá Euro nên mọi người đùa rằng tự nhiên sân khấu… ế ngang!

Nhờ chị google đọc báo giúp bạn!

Năm nay vừa mưa vừa đụng giải bóng đá Euro nên mọi người đùa rằng tự nhiên sân khấu… ế ngang! Trong ảnh: Một cảnh trong vở Lẹ lẹ trễ phà của sân khấu Trương Hùng Minh - Ảnh: LINH ĐOAN

Năm nay vừa mưa vừa đụng giải bóng đá Euro nên mọi người đùa rằng tự nhiên sân khấu… ế ngang! Trong ảnh: Một cảnh trong vở Lẹ lẹ trễ phà của sân khấu Trương Hùng Minh - Ảnh: LINH ĐOAN

Nhà hát kịch Idecaf thường mỗi tuần sẽ diễn 5, 6 suất kịch nay chỉ còn 1, 2 suất. Đạo diễn Đình Toàn, phụ trách nghệ thuật của nhà hát, cho biết ai làm sân khấu lâu năm đều biết mùa mưa là mùa ế nhất trong năm của sân khấu thành phố.

Năm nay, cộng thêm cơn lốc giải bóng đá Euro nên suất diễn dù ít nhưng lượng khán giả trong mỗi suất cũng giảm từ 30 - 40% so với thông thường. Nhà hát Thanh Niên, Sân khấu Thế Giới Trẻ thu hút đông khán giả trẻ yêu kịch cũng giảm suất diễn.

Bà bầu Mỹ Uyên của Nhà hát kịch 5B cho biết có suất chị phải "bù trắng". Sân khấu kịch Quốc Thảo, Sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh có tuần không sắp lịch diễn. Bà bầu Hồng Vân cho biết chị đoán trước thời điểm khó khăn này nên gần đây chỉ sắp toàn vở kinh dị (vở thế mạnh của sân khấu) nhưng lượng khán giả vẫn sụt giảm.

Chị cười cho biết: "Tình hình chung mà, ai cũng vậy mình có khác gì đâu". Sân khấu Hoàng Thái Thanh khi chuyển sang hoạt động theo mùa cũng biết rõ mùa mưa là… mùa ngặt nên họ chọn thời điểm này ngưng diễn để tập trung làm vở mới cho kịp ra mắt vào dịp lễ 2-9 và mùa sôi động cuối năm.

Nhiều đạo diễn cho rằng không chỉ những trở ngại kể trên mà mùa này diễn viên trụ cột của sân khấu cũng chạy tứ tán tham gia game show, vì vậy khá khó khăn khi lên lịch diễn.

Một đạo diễn nói: "Có lẽ diễn viên cũng biết mùa này sân khấu hiu hắt nên tranh thủ "lơ là" chạy show kiếm tiền".

Chuyện "mỗi năm đến mùa là sân khấu buồn" dường như ông bà bầu kỳ cựu nào cũng biết. Bởi vậy, ai lớ ngớ không rành sân khấu mà làm sự kiện hoặc ra sân khấu mới vào thời điểm này dễ "ôm đầu máu" như chơi.

Chính vì rành mùa ế này nên để tồn tại các sân khấu luôn ý thức được rằng đây là thời điểm phải gồng, hoạt động cầm chừng. Nhiều sân khấu còn linh động biến "mùa buồn" thành "mùa sôi động".

Như Nhà hát kịch Idecaf hơn 20 năm qua kiên trì chương trình Ngày xửa ngày xưa diễn kịch cho thiếu nhi mùa hè theo kiểu "giội bom".

Chính sự năng động đó mà mùa mưa trở thành mùa bận rộn của sân khấu khi diễn liên tục phục vụ thiếu nhi. Lượng khán giả này hầu hết đều mua vé trước nên sân khấu yên tâm.

Giám đốc Nhà hát kịch Idecaf cho biết chính kịch thiếu nhi đã nuôi kịch người lớn ở những giai đoạn khó khăn. Nhà hát kịch 5B cũng tăng cường kịch thiếu nhi và ưu đãi giá vé cho học sinh - sinh viên.

Với các sân khấu khác, mùa "bù lỗ" cho những tháng ông trời… làm mưa, làm gió là mùa kịch Tết. Mùa kịch Tết chính là mùa ăn nên làm ra của nhiều sân khấu. Đơn vị nào cũng thủ sẵn 4 - 5 kịch bản mới để chào đón công chúng.

Lịch diễn mùa Tết thì đều đặn mỗi ngày 2 - 3 suất suốt nửa tháng. Mùa kịch Tết là mùa đông vui nhất của sân khấu thành phố và cũng là mùa mà các ông bà bầu "gỡ gạc" lấy chi phí để bù đắp những tháng mưa ủ ê.

Rốt cuộc, bao nhiêu năm nay chỉ có TP.HCM đi đầu về việc duy trì sân khấu xã hội hóa, biến sân khấu trở thành "đặc sản văn hóa của TP.HCM". Không ít du khách khi đến thành phố thường hỏi anh lái taxi, xe ôm các điểm diễn sân khấu ở đâu để họ đi coi cho biết "kịch thành phố".

Có những giai đoạn rất khó khăn, chẳng hạn ngay sau thời điểm dịch bệnh, không ít người phán: "Sân khấu xã hội hóa thành phố tiêu rồi, sao gượng dậy nổi". Vậy mà sân khấu vẫn sống, hơn nữa còn bùng nổ với nhiều điểm diễn, nhiều sân khấu mới ra đời.

Chưa hết, gần đây nhiều vở diễn lịch sử (mảng mà các đơn vị xã hội hóa hay né vì kén khán giả) cũng liên tục được đầu tư, khi ra mắt nhận được nhiều lời khen ngợi. Sau khi diễn đại trà, các ông bà bầu đã tính đến chiến lược đưa các vở chất lượng này vào học đường.

Cách làm này vừa đóng góp thêm cho sân khấu một vở diễn tốt, vừa giải quyết thêm phần kinh phí để các sân khấu tái đầu tư.

Tất cả những nỗ lực trên cho thấy không đơn giản để thành phố có hệ thống sân khấu xã hội hóa sáng đèn liên tục mấy chục năm qua.

Dù còn nhiều khó khăn bất cập, đôi lúc cả bấp bênh, nhưng không thể phủ nhận lòng yêu nghề, yêu sân khấu và rất năng động "trong cái khó luôn ló cái khôn" của đội ngũ làm sân khấu thành phố.