Lắt léo chữ nghĩa: Nậu rổi, ghe rổi và…

Và những từ liên quan. Tất cả vừa lạ vừa quen, tồn tại hàng trăm năm qua, ngày nay vẫn còn được sử dụng, ví dụ như nậu rổi" và "ghe rổi". Phải chăng đây là phương ngữ Nam Trung bộ?

Nhờ chị google đọc báo giúp bạn!

Vâng, có thể xem là vậy. Trước tiên, chúng ta tìm hiểu rổi là gì. Theo Đại Nam Quấc âm tự vị (1895), rổi (chữ Nôm: 𩽊) là từ chỉ những người làm nghề gánh cá đi bán dạo, hoặc đi ghe cá. Từ điển của Hồ Ngọc Đức thì giải thích rổi là "thuyền dùng riêng để đánh cá, chở cá": Đi rổi. Đi đánh cá bằng rổi.

Việt-Nam-Tự- Điển (1970) của Lê-Văn-Đức và Lê-Ngọc-Trụ cho biết biến từ của rổi là "đón ghe cá để làm trung gian bán cho vựa: chạy rổi, đi rổi; Anh đi ghe rổi chín chèo, Bởi anh thua bạc, chín chèo còn ba (cd)". Trong sách này còn đưa thêm ví dụ: rổi biển (nghề rổi cá biển: đi rổi biển); rổi đồng (nghề rổi cá đồng (sông): đi rổi đồng) - quyển hạ, tr.1245. Những nhà biên soạn từ điển khác cũng có giải thích tương tự.

Chưa dừng lại ở đó, rổi còn nhiều từ khác liên quan, chẳng hạn như bạn rổi (bạn hàng cá), hàng rổi (hàng cá); lái rổi (người buôn chuyến hàng cá); xóm rổi (xóm những người làm nghề bán cá, đi ghe cá) nghĩa rộng là xóm chài.

Kế tiếp là nậu rổi. Nậu (chữ Nôm: 耨) có nghĩa là bọn, nhóm. Nậu rổi là từ chỉ nhóm người buôn cá (chủ yếu là phụ nữ), được nhìn ở góc độ tiêu cực lẫn tích cực: "Hỗn quá nậu rổi"; "Cãi nhau như rổi bán cá"; "Đừng chê nậu rổi tanh hôi, Có nhờ nậu rổi mới rồi bữa cơm". Cái từ rổi còn đi vào sinh hoạt cộng đồng qua những bài hát rổi hay vè lái rổi.

Ở Bình Định, từ nậu rổi thường bị phát âm sai thành nậu rẩu, song nghĩa thì không thay đổi. Nậu nguồn là từ chỉ người dân vùng thượng du; nậu hạ bạn là người ở cửa sông đổ ra biển; nậu hàng xén là nhóm người bán hàng tạp hóa ở chợ hoặc trên vỉa hè.

Nghĩa của nậu rổi là thế, song áo nậu thì không liên quan gì tới nhóm người buôn cá, ví dụ: "Những người khiêng kiệu đều mặc áo nậu". Áo nậu chính là áo nẹp ngày xưa mặc để đi rước hoặc hát bộ; còn nậu bạn hát là các diễn viên nam nữ chuyên hát bội.

Ngoài chữ Nôm nổi (𩽊) do người Việt xưa đặt ra, còn chữ Nôm khác đồng nghĩa, cũng đọc là rổi (耒). Chữ này vay mượn từ chữ lỗi (耒) trong Hán ngữ, có nghĩa là cái cày hay cán cày, chẳng liên quan gì tới nghề cá.

Phải chăng có 2 cách viết rổirỗi trong nghề cá? Vì trên mạng, ta dễ dàng tìm thấy những từ như rỗi biển, rỗi nước, rỗi bờ. Theo chúng tôi, viết chính xác phải là rổi biển (người thu mua cá); rổi nước (chủ tàu trực tiếp đến tận nơi ngư dân khai thác để mua cá, hải sản); rổi bờ (những người buôn cá ở chợ, bao gồm giới nậu rổi, chủ chế biến thủy, hải sản).

Tương tự như vậy, trên mạng lan truyền những câu như : "Ghe rỗi là ghe bán cá"; "Anh đi ghe rỗi chín chèo, Bởi anh thua bạc nên nghèo nợ treo"(ca dao); "Dạ, mời bạn ghe chài, dạ mời anh ghe rỗi, xuồng ngược nước ròng tóc rối mù sương" (bài vọng cổ Hương sắc Cà Mau của Kiên Giang). Theo chúng tôi, cách viết ghe rỗi là sai, chính xác phải là ghe rổi - những loại ghe nhỏ hoặc vừa dùng để đánh bắt hoặc thu mua cá; có mui hoặc không mui; có khoảng 6 vèo trở lên và có hầm chứa nước để chở cá.

Tóm lại, những từ kể trên phải viết là rổi, không viết rỗi, vì những từ rỗi trong các từ điển tiếng Việt "chính thống" không liên quan gì tới nghề cá.