Khai thác văn hóa trong du lịch: Chuyển hóa tài nguyên thành sức mạnh

VTV.vn - Văn hóa trở thành động lực và tài sản vô giá để phát triển ngành công nghiệp không khói.

Nhờ chị google đọc báo giúp bạn!

Thành công và tăng trưởng trong phát triển ngành du lịch có sự đóng góp to lớn của các sản phẩm du lịch văn hóa. Văn hóa là yếu tố quan trọng để thu hút khách du lịch, tạo ra ra sự khác biệt giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Văn hóa cũng là nguồn lực chính để phát triển ở nhiều vùng, địa phương nếu khai thác một cách hiệu quả và bền vững. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 đã đặt mục tiêu phát triển văn hóa thành những ngành dịch vụ kinh tế quan trọng. Sự gia tăng hàm lượng văn hóa trong các sản phẩm du lịch giúp du khách khám phá tìm hiểu, trải nghiệm và thẩm nhận các giá trị văn hóa khác biệt của Việt Nam.

Những sản phẩm du lịch văn hóa còn đặt nền móng cho ngành kinh tế đêm, với những show diễn triệu USD được đầu tư bài bản, công phu. Điển hình như chương trình tái hiện các điện tích lịch sử truyền thống Việt Nam nhiều nhất Tinh hoa Việt Nam lung linh trên đảo ngọc Phú Quốc, Ký ức Hội An thắp sáng phố hội hàng đêm với danh hiệu điểm đến vui chơi giải trí hàng đầu, Vũ điệu trên mây in đậm dấu ấn Tây Bắc, mang tới điểm du lịch văn hóa hàng đầu cho Sapa trong Giải thưởng du lịch thế giới hay Tinh hoa Bắc Bộ được kênh truyền hình CNN xếp vào nhất định phải xem khi đến Hà Nội. Đây là nỗ lực không ngừng nghỉ của các địa phương khi liên tục cho ra đời các sản phẩm du lịch văn hóa định vị thương hiệu điểm đến văn hóa hấp dẫn.

Theo thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới, văn hóa đóng góp 37% du lịch toàn cầu và dự báo có thể tăng 15% mỗi năm. Điều này cho thấy phát triển du lịch dựa trên khai thác giá trị văn hóa không chỉ là cách bảo tồn, phát huy văn hóa địa phương, vùng miền, quốc gia mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững. Lấy văn hóa là trục xoay trong chiến lược phát triển ngành du lịch đang trở thành hướng đi thành công của nhiều địa phương.

“Giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam rất cao. Trong 5 năm trở lại đây, được đánh giá là phát triển nhanh nhất thế giới thì có lẽ đã đến lúc, chúng ta phải có được một lượng giá mang tính tổng hợp tất cả những gì là tài nguyên”, GS Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam chia sẻ.

Bộ VHTT- DL đã khởi xướng đề án xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa nhằm tạo ra các dòng sản phẩm du lịch văn hóa đồng bộ, phấn đấu đến năm 2030 du lịch văn hóa chiếm 15 - 20% trong tổng 40 tỷ USD doanh thu từ khách du lịch. Định hình và xây dựng thương hiệu của mỗi địa phương, của quốc gia dựa trên nền tảng văn hóa vốn có mở ra cánh cửa thu hút nhà đầu tư vào trong sản phẩm văn hóa, từ đó quảng bá sức mạnh mềm của quốc gia.