Gia đình, chốn bình yên

(PLVN) - Để chữa lành, nhiều người đã đi đến các địa điểm thật xa, tạm gác lại những lo âu, bộn bề, áp lực của cuộc sống. Vậy nhưng, không phải lúc nào đi thật xa cũng sẽ mang lại sự bình yên. Đôi khi, chỉ cần trở về bên gia đình, trò chuyện với ông bà, cha mẹ là đã tìm lại sự an nhiên ở bên trong.

Hạnh phúc giản dị

Tình cảm gia đình luôn là thứ tình cảm thiêng liêng, lớn lao và dạt dào nhất. Đó có thể là sự chở che trong trầm lặng mà mạnh mẽ của cha, là những dịu dàng, ân cần quan tâm của mẹ và còn là vô vàn bao dung, cưng chiều từ ông bà.

Hiện nay, với sự phát triển của xã hội, rất nhiều người trẻ đã rời bỏ quê hương bôn ba nơi phố thị, tìm kiếm niềm vui hào nhoáng, lộng lẫy. Để rồi một ngày họ chợt nhận ra, vẻ đẹp hạnh phúc, giản dị nhất chính là quay về bên ông bà, cha mẹ, những người luôn cho ta yêu thương vô bờ bến.

Còn nhớ vài năm trước đây, bộ ảnh “Nội tôi mặc váy cưới” của chàng trai trẻ Tạ Công Bằng (sinh năm 2000) đã được nhiều người biết đến. Tạ Công Bằng sinh sống, làm việc ở TP HCM, còn bà anh vẫn ở quê, nhưng Bằng chia sẻ mình không bao giờ rời xa bà quá ba ngày.

Bà của Tạ Công Bằng đã ngoài 80 tuổi, cả cuộc đời dành hết tình yêu thương cho con cháu. Bố mẹ mất sớm, Công Bằng sống với bà từ lúc nhỏ, hai bà cháu đã có lúc bôn ba khắp nơi, tiết kiệm tiền để mua một mảnh đất nhỏ ở Cà Mau. Bà của Bằng là một người sống giàu tình cảm, lạc quan và vui vẻ. Nhờ vậy, Bằng có tính cách tích cực, hài hước.

Khi trưởng thành anh lên thành phố lớn lập nghiệp, anh luôn đi lại giữa Cà Mau và TP HCM để được ở bên bà nội. Bằng cho biết, chỉ cần nhìn thấy bà cười, hạnh phúc, vẫn còn khỏe mạnh đối với anh là niềm hạnh phúc nhất trên đời. Ban đầu, khi có công ăn việc làm, thu nhập ổn định anh muốn đưa bà đi du lịch khắp nơi. Nhưng bà ngày càng già yếu, nên anh dành thời gian chăm sóc bà nhiều hơn. Biết bà tuổi trẻ vì gia đình mà không may váy cưới khi lấy ông nội, anh quyết định bù đắp cho bà bằng bộ ảnh mặc váy cưới thật đẹp.

Hay đó là câu chuyện của chàng trai Nguyễn Xuân Chiến (25 tuổi, Thanh Hóa) là người sáng tạo ra kênh ẩm thực “Bếp quê choa”, cũng là cậu cháu trai hiếu thảo hằng ngày nấu ăn, chăm sóc bà trong các video. Chiến thường xuất hiện với bộ quần áo bà ba dáng vẻ chất phác, hiền lành. Chiến nói, anh mong mỗi video của mình là cầu nối để mọi người được trở về với tuổi thơ.

Được biết, Chiến đã có nhiều năm “lăn lộn” trên Hà Nội để mưu sinh. Cuộc sống xô bồ khiến anh cảm thấy mệt mỏi, nhớ về quãng tuổi thơ hạnh phúc ở quê với bố mẹ và bà ngoại. Anh quyết tâm trở về quê, xây dựng kênh Youtube, ngôi nhà mộc mạc của người bà với luống rau xanh và căn bếp đơn sơ trở thành “nhân vật chính” trong mỗi video thu hút cả triệu lượt xem của anh.

Chiến từng chia sẻ, ở bên bà khiến anh cảm thấy bình an, hạnh phúc. Từ ngày cùng anh sản xuất các video, bà cũng trở nên khỏe mạnh, vui vẻ, trẻ trung hơn rất nhiều. Thậm chí rất nhiều video của anh được bà gợi ý nội dung để quay dựng. Cũng nhờ sự “hợp tác” ăn ý giữa hai bà cháu, mà hàng xóm láng giềng cũng biết đến kênh của anh nhiều hơn, mọi người thường sang nhà hai bà cháu tâm sự, thăm hỏi và nói chuyện.

Việc chữa lành không phải đi xa, đi gần tham gia đủ các khóa học được giới thiệu, quảng cáo rầm rộ ở trên mạng. Mà chữa lành là tự mình điều chỉnh lại tâm lý, tìm sự cân bằng, thoát ra lo âu, áp lực cuộc sống đang bủa vây. Vì vậy, đôi khi, cách chữa lành nhanh nhất, đơn giản nhất là quay về với gia đình, bố mẹ, ông bà những người sẵn sàng trao cho chúng ta tình yêu, sự cảm thông, che chở vô bờ bến.

Học hỏi kinh nghiệm của những người cao tuổi

Chỉ cần lời hỏi thăm, động viên, lắng nghe chính là niềm hạnh phúc đối với người cao tuổi. (Nguồn: Bếp quê choa)

Chỉ cần lời hỏi thăm, động viên, lắng nghe chính là niềm hạnh phúc đối với người cao tuổi. (Nguồn: Bếp quê choa)

Trong buổi lễ tuyên dương Người cao tuổi làm kinh tế giỏi năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh, người cao tuổi không chỉ giữ vai trò quan trọng trong gia đình và xã hội, mà còn là nguồn lực vô giá với nhiều kinh nghiệm sống và nguồn tri thức vô tận có thể truyền đạt cho thế hệ trẻ về sau.

Cổ nhân xưa cũng có câu: “Khôn không đến trẻ, khỏe đâu tới già”. Để nói những người cao tuổi dù sức khỏe đã suy giảm, nhưng kinh nghiệm và sự từng trải của họ chính là vốn liếng quý báu mà con cháu nên học hỏi. Lấy ví dụ câu chuyện của các gia đình tứ đại đồng đường, tam đại đồng đường, nhiều thế hệ cùng chung sống với nhau. Đối với những người trẻ ở trong gia đình này, ông bà, bố mẹ chính là điểm tựa tinh thần để con cháu nương tựa mỗi khi thấy hoang mang, lo lắng, cô đơn trước cuộc sống bộn bề.

Như gia đình ông Nguyễn Văn Hoan là một trong số ít những gia đình “tam đại đồng đường” ở quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Ông bà có ba người con trai, đều là cán bộ nhà nước. Mười đứa cháu của ông bà, đứa nào cũng ngoan ngoãn, học giỏi, thi cử đỗ đạt. Các cháu lớn đều có công ăn việc làm ổn định. Với ông, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn trong cuộc đời. Là gia đình có ba thế hệ cùng chung sống nhưng gia đình ông Hoan luôn yên ấm. Con cháu yêu thương nhau, kính trên, nhường dưới. Đặc biệt là ba cô con dâu của ông luôn hoà thuận, vui vẻ và thương yêu, chăm sóc ông bà như cha mẹ đẻ. Có được điều này là do ông luôn có sự công bằng, khoan dung, độ lượng trong đối xử với các con, các cháu. Mỗi khi một thành viên trong nhà gặp vấn đề, ông bà họp gia đình cùng nhau nghĩ phương án hỗ trợ, giải quyết. Vì vậy, suốt hàng chục năm chung sống với nhau, các thế hệ trong nhà ngày càng gắn bó chặt chẽ.

Không chỉ có kinh nghiệm đối nhân xử thế, người cao tuổi trong gia đình còn là tấm gương tiêu biểu cho sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng để con cháu noi theo. Vừa qua, trong phong trào “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi” trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiêu biểu. Vượt qua rào cản tuổi tác, sức khỏe, nhiều người cao tuổi vẫn hăng say lao động, chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế cho mọi người cùng vươn lên. Trong số những tấm gương tiêu biểu đó có ông Thạch Dân (ngoài 60 tuổi), sở hữu trang trại nuôi bò sữa rộng lớn. Dù đã có tuổi, ông cùng vợ vẫn đảm đương việc kinh doanh, chăm sóc đàn bò, tổng thu nhập của gia đình lên đến khoảng 1 tỷ đồng/năm.

Ông là người cầm tay chỉ việc, hướng dẫn các con cháu trong gia đình làm ăn, kinh doanh, tạo công ăn việc làm. Ngoài ra, hai vợ chồng ông Dân là những người luôn giúp đỡ, chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn. Gia đình ông mỗi năm ủng hộ hàng chục triệu đồng cho quỹ người nghèo của xã, huyện. Vì vậy, vợ chồng ông trở thành một tấm gương để con cháu trong nhà noi theo học hỏi tinh thần cầu tiến, ý chí mạnh mẽ, không ngừng vượt khó.

Tạo kết nối với ông bà

Nhiều người trẻ đã tìm về vòng tay của ông bà, cha mẹ để chữa lành cho tâm hồn của mình. (Bà nội và cháu, nguồn: Tạ Công Bằng)

Nhiều người trẻ đã tìm về vòng tay của ông bà, cha mẹ để chữa lành cho tâm hồn của mình. (Bà nội và cháu, nguồn: Tạ Công Bằng)

Thực tế, ông bà, cha mẹ hay những người cao tuổi có ý nghĩa vô cùng lớn lao trong cuộc sống này. Họ là điểm tựa tinh thần, là “kho báu” tri thức mà con cháu cần phải quan tâm, dành thời gian nói chuyện, tâm sự mới có thể “khám phá” được hết. Đây là một yếu điểm của giới trẻ hiện giờ, khi trưởng thành, người trẻ thường gặp những cản trở trong giao tiếp với gia đình, đặc biệt là những người khác thế hệ như ông bà. Khoảng cách vô hình này đã thúc đẩy họ phải “học” cách kết nối với ông bà của mình.

Hiện tại, rất nhiều người trẻ đang tìm cách gắn kết lại với ông bà của mình. Đối với người cao tuổi, hạnh phúc của họ rất đơn giản. Con cháu trong nhà chỉ cần ở bên cạnh họ nhiều hơn một chút. Trân trọng từng phút giây ở cạnh ông bà để bù đắp tình yêu thương cho họ, kiên nhẫn và nhẹ nhàng với ông bà giống như ông bà đã từng làm với chúng ta ngày nhỏ. Nhiệt tình nghe đi nghe lại câu chuyện ông bà kể nhiều lần mà không phàn nàn. Hoặc đơn giản nhẹ nhàng giải đáp thắc mắc của ông bà, dù đó là câu hỏi được ông bà hỏi đi hỏi lại. Đó chính là tấm lòng yêu thương, chăm sóc ông bà, luôn luôn đối xử chân thành, kính trọng hết mực và tình cảm yêu thương kính trọng ấy phải xuất phát từ tận đáy lòng của người con, người cháu. Đôi khi chỉ là lời hỏi thăm, động viên hay tham gia các sự kiện gia đình cũng đủ để ông bà thấy sự quan tâm của con cháu mà vui vẻ, yêu đời, sống lâu dài bên cháu con.

Như vào năm 2019, dự án mang tên “The Elderly of Saigon” của nữ sinh Đặng Mai Chi tại TP HCM đã khiến rất nhiều người cảm động. Dự án là những hoạt động đơn giản, đời thường giúp cho học sinh, sinh viên thấu hiểu người già hơn, từ đó thêm gắn kết, yêu thương ông bà, cha mẹ mình bằng nhiều hoạt động thiết thực như tới viện dưỡng lão thăm hỏi người cao tuổi, các hoạt động gặp người cao tuổi ngoài đường phố, trò chuyện cùng họ, xin phép họ chụp ảnh và ghi lại những câu chuyện đời thường, trưng bày ảnh, người trẻ hóa thân làm người già, bác sĩ trò chuyện với người trẻ về cách chăm sóc người già đúng cách…