Đọc 'nhật ký hành quân' Dọc đường chinh chiến của Trầm Lợi Mến

Có thể gọi tác phẩm Dọc đường chinh chiến của Trầm Lợi Mến là một cuốn nhật ký được viết ngay trong những ngày hành quân gian lao trên chiến trường, từ biên giới Tây Nam của Tổ quốc tháng 10.1978 vượt núi băng rừng giữa lằn ranh sinh tử qua nước bạn Campuchia để làm nhiệm vụ của một người lính tình nguyện trên đất khách.

Nhờ chị google đọc báo giúp bạn!

Đó là giai đoạn cực kỳ khó khăn của quân và dân ta không chỉ riêng ở tuyến đầu, những trang sử khốc liệt được viết nên bằng xương máu. Tác giả là một người lính ở Ninh Hòa, Khánh Hòa, thuộc Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 93, Sư đoàn 2, QK 5; tòng quân năm 1976 trong đợt nghĩa vụ quân sự đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất khi vừa rời ghế học sinh. Buồn vui thương nhớ, mất mát hy sinh… tất thảy cảm xúc của người lính trẻ ấy đều được ghi lại trong một cuốn sổ tay vào những lúc dừng quân ngắn ngủi "sau mỗi ngày còn được sống", có khi là vài dòng tự sự, một chuyện kể trên đường, những bức ký họa bằng bút bi, mấy bài thơ lãng đãng, dăm ca khúc nghêu ngao. Viết "là cách để trải nỗi niềm, để đọc và tự an ủi động viên mình cùng đồng đội quên nỗi lo âu nguy hiểm từng ngày trên chiến trận".

Đọc 'nhật ký hành quân' Dọc đường chinh chiến của Trầm Lợi Mến- Ảnh 1.

Tác giả Trầm Lợi Mến và cuốn sách vừa ra mắt độc giả

A.D

Đọc 'nhật ký hành quân' Dọc đường chinh chiến của Trầm Lợi Mến- Ảnh 2.

Bìa sách

A.D

Sau gần nửa thế kỷ, khi quỹ thời gian của Trầm Lợi Mến và đồng đội, nay đã là những người lính già, không còn nhiều thì ý định tập hợp lại những gì đã ghi chép trong cuốn sổ tay chiến tranh ở chiến trường K mới manh nha và dần thành hiện thực. Dọc đường chinh chiến đã ra đời như vậy. Sách được Nhà xuất bản Đà Nẵng liên kết tác giả ấn hành tháng 7.2024, dày hơn 200 trang với số lượng in khiêm tốn, kịp tới tay bạn bè đồng đội và người thân quen của tác giả. Nhưng chỉ với phạm vi phát hành nhỏ hẹp và lặng lẽ như vậy, Dọc đường chinh chiến đã làm nên chuyện lớn lao và ý nghĩa vô cùng. Tác phẩm thuyết phục bởi dù viết về chiến tranh nhưng không theo lối mòn mà tràn ngập cảm xúc chân thành, thật thà, nhân ái, bằng một lối viết chân phương mộc mạc đến trần trụi như tác giả đã tự nhận "Mến là một người lính, không phải nhà văn nhà thơ".

Người lính này đã hoàn thành nhiệm vụ của mình với Tổ quốc nơi chiến trường năm xưa, nay với tác phẩm này có lẽ một lần nữa ông lại đưa chúng ta trở về lại những năm tháng gian khổ hào hùng đó, những năm tháng không ai được phép vong ơn và lãng quên.