'Đào, phở và piano' kiếm vài trăm triệu đồng mỗi ngày tại một hệ thống rạp

Trả lời Ngôi Sao, đại diện rạp Beta Cinemas cho biết mỗi ngày, phim 'Đào, phở và piano' thu về vài trăm triệu đồng tiền bán vé, tại các cụm rạp thuộc hệ thống này.

Nhờ chị google đọc báo giúp bạn!

Theo chị Trúc Trần - đến từ Beta Cinemas, Đào, phở và piano hiện khởi chiếu tại 19 cụm rạp Beta ở 10 tỉnh thành. Trung bình mỗi ngày, phim có bốn hoặc năm suất chiếu tại mỗi rạp. Số lượng suất chiếu có thể được điều chỉnh theo nhu cầu của khán giả.

Chị nói thêm: "Tỷ lệ lấp đầy rạp của phim Đào, phở và piano luôn từ 95% trở lên. Toàn bộ doanh thu phim được báo cáo cho Cục Điện ảnh mỗi ngày và nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước". Beta định giá 50.000 đồng một vé và cam kết chiếu phim ít nhất bốn tuần.

Hiện Đào, phở và piano được phát hành tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia ở Hà Nội và hai hệ thống Beta Cinemas, Cinestar Vietnam ở hơn 10 tỉnh thành. Do bộ phim chỉ bán vé trực tiếp tại quầy, không bán online, trang Box Office Vietnam - đơn vị theo dõi thị trường phim chiếu rạp - gặp khó khăn trong việc cập nhật doanh thu của phim.

Đào, phở và piano kể về những người lính, cư dân ở lại với thủ đô trong đêm cuối của chiến dịch 60 ngày đêm năm 1946-1947.

'Đào, phở và piano' kể về những người lính, cư dân ở lại với thủ đô trong đêm cuối của chiến dịch 60 ngày đêm năm 1946-1947.

Công chiếu từ Mùng 1 Tết Giáp Thìn (ngày 10/2), Đào, phở và piano chỉ được chiếu tại duy nhất Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, với lượng suất chiếu ít và giờ chiếu khó tiếp cận khán giả. Trước làn sóng yêu thích của phim, hai hệ thống rạp Beta Cinemas và Cinestar Vietnam xác nhận trình chiếu phim phi lợi nhuận (gửi toàn bộ doanh số phim cho Nhà nước).

Ngay buổi sáng đầu tiên mở bán (ngày 22/2), vé của phim nhanh chóng tiêu thụ hết tại TP HCM. Nhà sản xuất Ân Nguyễn cho hay anh xem phim suất 16h40 ngày 22/2 tại rạp Cinestar ở Quận 1, mua được 5 vé cuối cùng và chấp nhận ngồi hàng A, dù đến rạp mua vé vào buổi sáng.

Tình trạng hàng dài người xếp hàng mua vé tiếp diễn cả ngày thường và cuối tuần. Doanh nhân Minh Beta, người sáng lập Beta Cinemas, nhận định về hiện tượng của bộ phim này: "Đây là một tín hiệu đáng mừng của điện ảnh Việt Nam cũng như xóa mờ quan niệm phim lịch sử là đề tài khó nuốt và ít được đón nhận. Và chúng tôi cũng tin rằng Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân có thể hợp tác hài hòa, hiệu quả để thúc đẩy sự phát triển của nền điện ảnh Việt Nam".

Cơn sốt của Đào, phở và piano đánh dấu sự hồi sinh của điện ảnh Nhà nước sau 10 năm, kể từ thất bại của phim Sống cùng lịch sử. Phim giúp hai diễn viên tay ngang Cao Thị Thùy Linh và nam sinh người châu Phi được chú ý.

Từ nước ngoài, đạo diễn Phi Tiến Sơn bày tỏ niềm xúc động khi tác phẩm của mình được đón nhận. Ông cho rằng điều này chứng minh dòng phim lịch sử vẫn còn khán giả và người làm phim vẫn còn nợ khán giả nhiều ở chủ đề phim này.

Trailer phim 'Đào, phở và piano'

Câu chuyện của Đào, phở và piano tái hiện một phần Hà Nội những ngày đỏ lửa đau thương của mùa xuân 1947. Khi người dân sơ tán về các tỉnh, bộ đội rút lên chiến khu để chuẩn bị cho Chiến dịch Việt Bắc, một bộ phận chiến sĩ và dân thường vẫn nán lại quyết tử cùng thủ đô.

Tôn vinh tinh thần cảm tử vì thủ đô và Tổ quốc là điều cần ghi nhận ở tác phẩm của đạo diễn Phi Tiến Sơn. Các cảnh chiến đấu và một vài khoảnh khắc quân dân thủ đô liều mình sống chết với giặc Pháp cũng gieo được cảm giác xúc động, khơi gợi lòng tự hào dân tộc. Một vài nhân vật lột tả được hào khí người Hà thành, qua diễn xuất của Doãn Quốc Đam, vợ chồng nghệ sĩ Nguyệt Hằng - Anh Tuấn.

Bối cảnh phim được chăm chút với một khu phố Hà Nội cách đây hơn 70 năm được dàn dựng hoàn toàn. Tuy nhiên, tính mỹ thuật của phim còn thô sơ. Khung cảnh, đạo cụ và ánh sáng đều gợi cảm giác minh họa của sân khấu kịch, thiếu chất đời sống. Diễn biến tâm lý nhân vật, cách kể chuyện, hình ảnh, âm nhạc cũng còn nhiều điều đáng tiếc.

Phong Kiều