'Đào, phở và piano' gặp khó khăn trong giải trình chi phí'

Trong cuộc thảo luận về điện ảnh sáng 3/3, đạo diễn Phi Tiến Sơn nói việc giải trình kinh phí để dàn dựng bối cảnh Hà Nội cách đây hơn 70 năm trong phim 'Đào, phở và piano' không dễ dàng.

Nhờ chị google đọc báo giúp bạn!

Đang có chuyến công tác tại Mỹ, đạo diễn Phi Tiến Sơn tham gia cuộc đối thoại trực tuyến. Sự kiện do nhạc sĩ Dương Thụ dẫn dắt, với chủ đề xoay quanh hai tác phẩm điện ảnh: Hà Nội mùa đông năm 46 của đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh và Đào, phở và piano của đạo diễn Phi Tiến Sơn. Kịch bản hai phim đều gắn với cuộc chiến 60 ngày đêm ở Hà Nội cuối năm 1946 đầu năm 1947.

Doãn Quốc Đam và Cao Thùy Linh đóng chính Đào, phở và piano.

Doãn Quốc Đam và Cao Thùy Linh đóng chính 'Đào, phở và piano'.

Khi được hỏi về khó khăn trong quá trình sản xuất phim Đào, phở và piano, đạo diễn Phi Tiến Sơn cho hay việc giải trình chi phí và phương án thiết kế bối cảnh, đạo cụ của phim không dễ dàng. Trong khi bộ phim đòi hỏi sự tốn kém trong việc tái hiện không gian đường phố đổ nát vì bom đạn; những chiến lũy được dựng từ giường tủ, bàn ghế... trên phố phường.

Theo đạo diễn, khu phố cổ Hà Nội trong Đào, phở và piano được dựng hoàn toàn tại một khu đất trống trong doanh trại quân đội ở Vĩnh Phúc. Đội ngũ thiết kế mỹ thuật dựng một con đường với vỉa hè, những bức tường đổ nát, chiến lũy. Họ dựng một số căn nhà rồi phá đổ, vẽ biển hiệu, làm sơn bong tróc và trầy xước cho đúng thời đại. Xe tăng, tàu điện cũng được đặt làm riêng. Bản thân ông choáng váng khi nhìn thấy phim trường.

Với chi tiết người lính thả pháo vào nồi gang, gây tiếng nổ để phân tán sự chú ý của lính Pháp, đạo diễn kể khi làm phim, ông đã liên lạc một cựu chiến binh thời chống Pháp, xin tham vấn về tình huống này. Tuy nhiên, cụ cựu chiến binh không nhớ chính xác.

"Các bạn thấy đấy, đến người trong cuộc cũng không nhớ chính xác. Chúng tôi tính toán cần tạo hiệu quả cho hình ảnh và âm thanh. Họa sĩ thiết kế chọn nồi đồng bởi đấy là món đồ đặc trưng của Hà Nội, vừa tạo ấn tượng về âm thanh, vừa gửi gắm được hồn cốt dân tộc. Nếu ai bảo tôi chứng minh thời đấy người dân làm vậy thì tôi chịu", đạo diễn Phi Tiến Sơn nói thêm.

Đạo diễn cho rằng phim lịch sử cần dựng bối cảnh hoàn toàn, để đảm bảo sự sáng tạo của nhà làm phim. Tuy nhiên, điện ảnh Việt Nam còn hạn chế về kinh phí, nhân sự và vật liệu thiết kế đặc trưng. Đối với những "hạt sạn" khán giả chỉ ra, ví dụ như cục nóng điều hòa lọt vào khung hình, đạo diễn bày tỏ: "Tôi biết khán giả cần bối cảnh tỉ mỉ và hoành tráng hơn. Chúng tôi còn nhiều lỗi nhưng đó là điều khó tránh. Chúng tôi đã cố gắng hết sức. Thật lòng, chúng tôi cũng vui khi khán giả xem phim kỹ. Điều đó cũng chứng tỏ khán giả hiểu biết về lịch sử và người làm phim chúng tôi còn được khán giả quan tâm".

Đạo diễn Phi Tiến Sơn trả lời khán giả về phim từ Mỹ

Bàn về việc sản xuất phim lịch sử, đạo diễn mong khán giả có cái nhìn cởi mở hơn khi thưởng thức dòng phim này. Ông thú nhận "run rẩy" khi nghĩ đến làm phim chính sử, vì biết chắc dòng phim này dễ bị soi mói, đánh giá, thậm chí đụng chạm quan điểm chính trị. Do đó, ông chọn kể về các nhân vật hư cấu, lấy cảm hứng từ sự kiện lịch sử khi làm Đào, phở và piano.

Nửa tháng qua, bộ phim nhận được sự quan tâm của khán giả và đạt doanh thu khoảng 10 tỷ đồng. Từ xa, đạo diễn bày tỏ niềm xúc động trước tình cảm của công chúng. Ông quan niệm lòng yêu nước đã có sẵn trong mỗi người dân và bộ phim chỉ thổi bùng lên ngọn lửa này trong lòng mọi người. Đó là điều ngoài mong đợi của ông. Ông tin sẽ có nhiều nhà làm phim cũng như các hãng phim tư nhân thời gian tới sẽ thực hiện nhiều dự án thuộc đề tài này.

Đào, phở và piano gói gọn câu chuyện trong một ngày đêm cuối cùng của chiến dịch Đông - Xuân cuối năm 1946, đầu năm 1947, trước khi bộ đội rút lên chiến khu Việt Bắc. Sau đợt chiếu hạn chế ở một rạp ở Hà Nội, phim hiện mở bán tại nhiều hệ thống rạp tư nhân trên toàn quốc. Tại một cụm rạp của Beta Cinemas, phim kiếm vài trăm triệu đồng mỗi ngày.

Cơn sốt của Đào, phở và piano đánh dấu sự hồi sinh của điện ảnh Nhà nước sau 10 năm, kể từ thất bại của phim Sống cùng lịch sử. Phim giúp hai diễn viên tay ngang Cao Thị Thùy Linh và nam sinh người châu Phi được chú ý.

Phi Tiến Sơn là nhà quay phim, biên kịch và đạo diễn. Ông được biết đến qua các phim điện ảnh Em còn nhớ hay em đã quên, Lưới trời, Người thổi tù và hàng tổng, Lập trình cho trái tim, Nghề báo, Lạc giới, Kiều...

Đạo diễn Phi Tiến Sơn trên trường quay.

Đạo diễn Phi Tiến Sơn trên trường quay.

Phong Kiều