Cùng Lê Thiết Cương tìm nết người trong nết nhà, nết phố

Lê Thiết Cương không gọi nếp nhà mà gọi nết nhà. Với anh, một mái nhà, một con phố, một ngôi làng, một vùng đất đều có cái nết" của nó. Mà thực ra nói nết nhà, nết phố, nết làng chính là nói nết người trong nhà ấy, phố ấy, làng ấy.

Nhờ chị google đọc báo giúp bạn!

Cùng Lê Thiết Cương tìm nết người trong nết nhà, nết phố- Ảnh 1.

Cuốn sách Nhà và người của Lê Thiết Cương - Ảnh: T.ĐIỂU

Câu chuyện thú vị về nết người, nết nhà, nết phố, nết làng được họa sĩ Lê Thiết Cương "vẽ" bằng con chữ với gần 60 bài viết trong hơn hai chục năm qua, vừa in thành cuốn sách Nhà và người (NXB Hội Nhà văn và Liên Việt).

Những thú vị chỉ Lê Thiết Cương mới thấy

Cái tên sách kiệm chữ, mộc chữ thực ra lại gói trong nó rất nhiều chuyện của một thời, của nhiều vùng đất. Mà nhiều chuyện thú vị, nhiều phát hiện mới lạ, ngỡ chỉ người ham đọc, ham quan sát, ham nghĩ ngợi lại mê nhà, mê phố lẫn làng, mê cả bạn bè như Lê Thiết Cương mới thấy.

Chơi với nhiều văn nghệ sĩ khắp chốn, yêu bạn, Lê Thiết Cương yêu luôn cả những ngôi nhà của bạn.

Ông viết từ ngôi nhà "thích khách" của Nguyễn Huy Thiệp, Đào Trọng Khánh cho đến những ngôi nhà rất độc đáo (như người) của Quách Phương Đông, Trần Huy Hoan, nhà của những bạn văn Nguyễn Thụy Kha, Võ Thị Hảo…

Tất nhiên viết về nhà mà thực ra chính là viết về những chủ nhân trong những ngôi nhà ấy.

Anh còn viết về những vùng đất anh đã đi qua, từ Sài Gòn, Đà Lạt đến Sa Pa, Hải Phòng, một vài làng cổ ở Bắc Bộ và Hà Nội nơi anh sống… Cũng như chuyện nhà, chuyện đất cũng là chuyện người.

Đó là những lý giải riêng khá thú vị của Lê Thiết Cương về việc tại sao Đà Lạt buồn nhưng đẹp; tại sao Hải Phòng đất dữ ăn to nói lớn nhưng luôn nồng nàn "đói bạn"; tại sao Sài Gòn lại là đất dưỡng thân của những kẻ thích làm to, thích liều lĩnh, năng động và hợp thời đổi mới?

Và đặc biệt là vùng đất Thăng Long - Hà Nội được Lê Thiết Cương dành nhiều trang viết dạt dào tình cảm lẫn quan sát tinh tế, thú vị.

Cùng Lê Thiết Cương tìm nết người trong nết nhà, nết phố- Ảnh 2.

Họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ tại buổi ra mắt sách ngày 8-8 tại Hà Nội - Ảnh: ĐỨC HUY

Điệu hát đẹp cho những gánh hàng rong

Người đọc ngỡ ngàng trước cách mà Lê Thiết Cương tả về Hà Nội phố cổ anh sống suốt mấy mươi năm cuộc đời.

Anh nhìn ra Hà Nội với bao nhiêu khuyết điểm. Nó nhỏ hẹp, chẳng gọn gàng ngăn nắp, quê quê tỉnh tỉnh… Nhưng cái duyên, cái đẹp của Hà Nội cũng chính ở chỗ đó.

Thú vị nhất là ở cách anh ví Hà Nội là festival vĩnh cửu không ngơi nghỉ bao giờ, Hà Nội là "hội hè miên man", mà không phải "hội chợ phù hoa", nó là lễ hội của vỉa hè, của gánh hàng rong, của buôn thúng bán mẹt.

Cách anh tả gánh hàng rong Hà Nội thật hay. Phải yêu lắm những bán buôn vỉa hè này mới viết ra những chữ đẹp như thế cho những bà, những cô xe thồ, quang gánh mà dệt lên dáng hình và cả hồn cốt phố phường Hà Nội.

Trong bài 36 phố - Một Hà Nội anh viết: "Nó (Hà Nội) là buôn thúng bán mẹt, là những quang gánh kẽo kẹt, chen lấn xô đẩy, len lỏi nắng mưa, thẫn thờ vu vơ đầu đường xó chợ.

Đó là những người đàn bà xe đạp, xe thồ, xộc xệch, nặng trĩu, kĩu kịt, sớm khuya nói cười, bánh trái, quà cáp, hoa quả, bốn mùa giao hưởng".

Nhà phố, quanh năm chỉ quanh quẩn đạp xe ngắm phố nên Lê Thiết Cương có cơ hội được ngắm nhìn buôn bán vỉa hè quanh năm suốt tháng.

Đã thấy nhiều người yêu văn hóa vỉa hè của Hà Nội nhưng tới mức mê những tiếng bước chân của gánh hàng rong, mê tiếng rao tiếng chào mời, thèm những câu nói "nhà quê" như Lê Thiết Cương hẳn không có nhiều.

Đọc sách anh, người ta cũng được lây lan nhiều cái tình yêu bạn bè, yêu nhà, yêu phố, yêu làng, yêu cái đẹp của tác giả.

Và bạn đọc còn nhặt được cho mình không ít những suy tư về sống của một người ưa quan sát, nghĩ suy, như chuyện tác giả bảo thỉnh thoảng ta cũng nên nghỉ ngơi, dừng lại để dọn dẹp lòng mình, như người làng Diềm hằng năm đều bơm nước, dọn dẹp lòng giếng làng…

Sách còn hấp dẫn ở giọng văn đặc biệt của Lê Thiết Cương. Là họa sĩ viết chứ không phải nhạc sĩ viết, nhưng văn anh rất giàu nhạc tính với những câu ngắn, được ngắt nhịp nhanh bởi nhiều dấu phẩy.

Đã vậy, Lê Thiết Cương lại giỏi tiết chế lời, như cách anh kiệm nét trong những bức tranh. Anh luôn biết nói đủ, dừng đúng lúc.

Giống như tranh anh, văn anh cũng tạo được nhiều khoảng trống cho người đọc tự do ngẫm ngợi.

Nhà và người (NXB Hội Nhà Văn và Liên Việt) hơn 300 trang, in màu với nhiều ảnh và tranh minh họa của tác giả lẫn những tranh anh yêu thích.

Đây là cuốn đầu tiên trong bộ ba cuốn của họa sĩ Lê Thiết Cương, sẽ lần lượt ra mắt. Tiếp theo là cuốn Trò chuyện với hội họaTrong hạt thóc có hạt gạo (tập hợp những bài viết về văn hóa Việt).