Cần sự dấn thân

Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất vừa bế mạc tại TP Hải Phòng. Đây có thể coi là một dấu ấn lớn đối với ngành biểu diễn, bởi lâu nay, hoạt động nghệ thuật dành cho thiếu nhi được mặc định chỉ là “thêm, nếm” hoặc làm theo mùa vụ.

Nhờ chị google đọc báo giúp bạn!

Cần sự dấn thân

Tiếc là chỉ có 14 đơn vị nghệ thuật có mặt - quá ít so với số lượng các đơn vị nghệ thuật hùng hậu trong cả nước. Con số này như thêm một lời báo động cần thay đổi nhận thức và hành động để hướng tới thế hệ khán giả tương lai cho sân khấu, nguồn nhân lực kế cận của văn hóa nghệ thuật.

Nhiều nhà quản lý, nghệ sĩ từ lâu đã cho rằng, việc đưa nghệ thuật sân khấu đến với trẻ em chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các ngành quản lý. Có không ít các em từ lớp 1 đến lớp 10, năm nào nếu được nhà trường tổ chức đi xem biểu diễn nghệ thuật thì quanh đi quẩn lại chỉ có xiếc, múa rối hay chương trình tạp kỹ… mà phần lớn còn gượng ép và chưa gần gũi với thực tế. Trong khi đó, trẻ em hiện nay có rất nhiều sự lựa chọn vui chơi giải trí, nhiều cơ hội để tiếp cận với các loại hình nghệ thuật. Với sự hỗ trợ của các nền tảng công nghệ, khán giả nhỏ tuổi có thể thưởng thức các chương trình nghệ thuật đa dạng, thậm chí là chương trình nghệ thuật quốc tế.

Mặt khác, bởi vẫn giữ quan niệm xưa cũ về chương trình cho trẻ em chỉ cần rộn ràng, tưng bừng mà nhiều chương trình còn dễ dãi trong cách kể chuyện, gây cười ngô nghê… Với khán giả nhí hiện nay, chương trình nghệ thuật không nên chuyển tải thông điệp giáo dục một cách cứng nhắc mà cần tinh tế, thấu hiểu để có thể chạm tới trái tim của trẻ. Cũng cần nhìn nhận, việc đổi mới, đầu tư cho vở diễn không chỉ nằm ở khâu kịch bản mà còn phụ thuộc kỹ thuật, công nghệ biểu diễn. Thời gian qua, một số đơn vị nghệ thuật bắt đầu hợp tác với các nghệ sĩ, nhà hát quốc tế uy tín nhằm tiếp cận những kỹ thuật dàn dựng hiện đại của sân khấu thế giới với mong muốn thể hiện mới mẻ hơn đến khán giả. Đó cũng là một hướng đi tích cực, tuy nhiên, các yếu tố ngoại cũng nảy sinh những lo ngại thiếu nội dung “thuần Việt” trong các nhân vật, câu chuyện… vì trẻ em vốn nhạy cảm và rất dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động bên ngoài. Bởi thế, việc cân đối hài hòa giữa các yếu tố trong tác phẩm dành cho khán giả nhỏ tuổi cũng là một trong những yêu cầu tiên quyết.

Đầu tư cho sân khấu thiếu nhi chính là vun bồi cho cái gốc của nền sân khấu nước nhà, bởi thiếu nhi là đối tượng khán giả đặc biệt mang trong mình sứ mệnh lịch sử tiếp nối, gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu cha ông. Cần nhiều hơn nữa những người dám đầu tư và dấn thân vì khán giả nhỏ tuổi và tương lai sân khấu nước nước nhà.

MAI AN