Biệt thự cổ của đốc phủ Võ Hà Thanh và giá trị con đường ven sông Đồng Nai

Chủ trương giữ lại biệt thự cổ trăm tuổi (nhà lầu ông Phủ) để bảo tồn của Đồng Nai hứa hẹn nơi đây trở thành một địa điểm tham quan nổi bật trên tuyến đường du lịch thủy - bộ ven sông Đồng Nai.

Nhờ chị google đọc báo giúp bạn!

Biệt thự cổ trăm năm sẽ tăng giá trị cho đường ven sông Đồng Nai - Ảnh 1.

Bản đồ hệ thống các di tích của làng nghề đá truyền thống Bửu Long - Ảnh: LÊ HOÀNG QUỐC

Tồn tại 100 năm trên mảnh đất xưa kia là làng cổ, biệt thự cổ đẹp nhất Đồng Nai của đốc phủ Võ Hà Thanh không chỉ là di sản của dòng họ. Căn nhà còn có giá trị văn hóa khi nằm trong cụm làng nghề truyền thống có tuổi đời trên 300 năm.

Làng nghề 300 năm

Nhà cổ đốc phủ Võ Hà Thanh nằm trong cụm di tích làng nghề đá Bửu Long với nhiều di tích đã được xếp hạng như chùa Bửu Phong, Tiên Sư Cổ Miếu.

Ngoài ra trong khu vực này còn có các địa điểm khác là khu du lịch Bửu Long (trước đây là hầm khai thác đá cổ), Bửu Long công sở và khu mộ đá cổ dòng họ Võ Hà.

Từ khi các thế hệ lưu dân mở cõi, tướng Trần Thượng Xuyên đã thần phục chúa Nguyễn đến ở vùng Kâmpéâp Srêkatrey (Biên Hòa).

Theo nhà địa phương chí Lương Văn Lựu trong Biên Hòa sử lược (1973), thời gian đầu nhóm binh dân của Trần Thượng Xuyên đến chùa Bửu Phong (khai lập năm 1616) xin tị nạn vào năm 1679, đồng thời xây lại chùa bằng gạch ngói và thỉnh hòa thượng Thành Trí đến trụ trì.

Ngôi cổ tự có niên đại hơn 400 năm này tọa lạc trên núi Bình Điện - ngọn núi ngay phía sau nhà đốc phủ Võ Hà Thanh.

Với vị trí địa lý thuận lợi, có đường xe bò, đường sông, lại sẵn nguồn nguyên liệu đá, nên nhóm lưu dân Trần Thượng Xuyên đã chọn vùng đất dọc sông Đồng Nai làm địa điểm cư trú đầu tiên trước khi xây dựng Cù Lao Phố.

Trong bản đồ Biên Hòa năm 1867 và bản đồ Biên Hòa năm 1881 cũng thể hiện những mái nhà dọc theo sông Đồng Nai mang tính chất là một làng cổ, ở vị trí ngày nay là nhà cổ Võ Hà Thanh kéo dài lên bến đò Trạm.

Những di vật khảo cổ có niên đại từ thế kỷ 17 - 19 phát lộ trong phạm vi dự án làm đường ven sông Đồng Nai cũng cho thấy rõ dấu vết của làng cổ sớm này.

Biệt thự cổ đẹp nhất Đồng Nai và làng nghề hơn 300 năm tuổi - Ảnh 2.

Những hiện vật gốm cổ tìm thấy trong quá trình xây dựng đường ven sông Đồng Nai - Ảnh: LÊ HOÀNG QUỐC

Đa phần nhóm người Hoa theo Trần Thượng Xuyên thuộc bang Hẹ. Họ lập nghề ở khu vực núi đá Bửu Long (nay thuộc phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa). Trước hết là cung cấp đá lát đường cho việc mở thương cảng Nông Nại đại phố (Cù Lao Phố), sau là cung cấp nguồn vật liệu xây dựng cho các công trình của khu vực Nam Bộ.

Khu du lịch Bửu Long trên thực tế đã từng là một mỏ khai thác đá truyền thống của người dân địa phương trong suốt hơn ba thế kỷ.

Di tích Tiên Sư Cổ Miếu cách nhà cổ Võ Hà Thanh khoảng 200m về phía nam, nằm dưới chân núi Long Ẩn và là cơ sở thờ tự của lưu dân người Hoa sớm nhất trên đất Biên Hòa.

Ngôi miếu đặc biệt này (còn gọi là chùa Bà Thiên Hậu Bửu Long) do cộng đồng người Hoa bang Hẹ xây dựng, thờ tam vị tổ nghề: nghề đá, nghề mộc, nghề rèn và phối thờ Thiên Hậu thánh mẫu cùng Quan Thánh đế quân.

Di tích được xây dựng vào năm 1680 trong khi chùa Ông cù lao Phố - Quan Đế miếu xây dựng muộn hơn vào năm 1684.

Căn biệt thự ven sông và khu mộ cổ đá xanh độc đáo

Người Việt Nam đầu tiên chen chân vào lĩnh vực khai thác đá của làng nghề đá truyền thống Bửu Long là ông Võ Hà Thanh. Ông vốn xuất thân gia cảnh nghèo theo cha từ Quảng Ngãi bị đày vào Biên Hòa do tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp.

Ban đầu ông làm thuê, vài năm sau thì sắm được chiếc xe bò chuyển sang kéo đá mướn; sau đó mở hầm khai thác đá và phất lên nhanh chóng.

Năm 1901-1902, ông Võ Hà Thanh trúng thầu xây cầu Hang (cầu đường sắt vượt quốc lộ 1 ở giáp ranh Bửu Hòa - Hóa An). Sau này, ông mở thêm đồn điền, mua ruộng đất, dần tích trữ của cải và trở thành cự phú tiếng tăm ở Biên Hòa.

Nhà cổ Võ Hà Thanh được khởi công vào năm 1922 và hoàn thành năm 1924. Vì khởi nghiệp từ nghề đá, lượng đá xanh Biên Hòa được sử dụng tại ngôi nhà cổ này rất nhiều, bao gồm bó nền nhà, đường dẫn cho xe hơi trước nhà, hệ thống ta luy đá tại bờ sông Đồng Nai và bậc cấp dẫn lên nhà (còn gọi là bến Đá, một số người dân sở tại gọi là bến đò Quan).

Trong sân nhà rải rác những cấu kiện đá xanh được làm tiểu cảnh và ngay cả bàn thiên của căn nhà cũng bằng đá xanh Biên Hòa.

Biệt thự cổ đẹp nhất Đồng Nai và làng nghề hơn 300 năm tuổi - Ảnh 3.

Ram dốc và bó nền bằng đá của nhà cổ Võ Hà Thanh - Ảnh: LÊ HOÀNG QUỐC

Ngoài căn biệt thự ven sông, gia tộc Võ Hà còn có khu mộ cổ bằng đá xanh độc đáo.

Sách Nghề đá Bửu Long cho biết gia tộc Võ Hà Thanh còn có khu mộ gia tộc bằng đá xanh nổi tiếng của làng nghề đá truyền thống Biên Hòa.

Khu mộ cổ Võ Hà (nằm ở phường Bửu Long, sau Văn Miếu Trần Biên) là một quần thể lăng tẩm độc đáo với ngôi mộ cổ nhất được xây dựng vào năm 1829.

Những ngôi mộ ở đây đều được tạo tác bằng đá xanh Bửu Long có quy mô lớn với nhiều hạng mục như trụ biểu, bình phong, liễn ngạch và bình môn, bia văn, bia mộ…

Với những mảng phù điêu trang trí sắc sảo khắc họa hình tượng rồng, lân, linh vật, trái cây, bình bông, dây lá cùng hệ thống di tồn Hán Nôm có giá trị nghệ thuật cao, khu mộ cổ này là một trong những di tích lăng mộ tiêu biểu của khu vực Biên Hòa cũng như Nam Bộ.

Biệt thự cổ đẹp nhất Đồng Nai và làng nghề hơn 300 năm tuổi - Ảnh 4.

Ngôi mộ đá của ông bà Võ Hà Thanh - Ảnh: LÊ HOÀNG QUỐC

Thương hiệu đá Biên Hòa từ lâu đã là một thương hiệu nổi tiếng và là vật liệu quan trọng để xây dựng đình, chùa, miếu, nhà cổ dân dụng, mộ cổ, đô thị không chỉ trong khu vực mà còn cho cả Nam Bộ.

Căn nhà và khu mộ gia tộc của đốc phủ Võ Hà Thanh một mặt mang dấu ấn lịch sử làng nghề đá Bửu Long. Mặt khác, "minh họa" việc sản phẩm đá xanh Biên Hòa được sử dụng trong xây dựng công trình dân dụng tại miền Nam như thế nào.

Đường ven sông Đồng Nai nên là tuyến đường của văn hóa - lịch sử

Ngược dòng lịch sử, có thể thấy vùng đất Đồng Nai đã có những cộng đồng cư dân sớm nhất cách nay 4.000 năm, hình thành nên một nền văn hóa cổ Đồng Nai rất đặc sắc, dày đặc di chỉ, gần nhất là tại Cù Lao Rùa (đối diện bên kia sông của nhà cổ Võ Hà).

Hiếm có một đô thị nào đặc biệt và quan trọng như Biên Hòa khi hình thành bên cạnh con sông lịch sử gắn với một nền văn hóa lớn và tiếp nối liên tục từ xa xưa cho đến nay. Nếu có thể phát huy tối đa các giá trị tiềm năng du lịch, Biên Hòa có thể trở thành một điểm đến thú vị, trong đó có du lịch đường sông.

Một loạt các di tích của Biên Hòa được hình thành ven sông là các di tích ở Cù Lao Phố (Chùa Ông - Thất Phủ Cổ Miếu, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, đình Thành Hưng, cầu Rạch Cát), kéo dài lên trung tâm Biên Hòa (nhà Thiếu Nhi - dinh Tham Biện cũ, đình Tân Lân).

Phía Bửu Long có chùa Long Ẩn, nhà cổ Võ Hà Thanh và làng nghề đá truyền thống Bửu Long (cụm làng cổ gồm Tiên Sư Cổ Miếu, chùa Bửu Phong, khu mộ đá Võ Hà, khu du lịch Bửu Long, nhà hội Bửu Long).

Điểm cuối của tuyến có thể là cù lao Tân Triều vốn nổi danh với đặc sản bưởi Biên Hòa.

Căn nhà cổ Võ Hà Thanh không chỉ bó hẹp trong phạm vi di sản nhà cổ của một dòng họ, mà rộng hơn còn là quá trình hình thành và phát triển của một vùng đất có bề dày lịch sử gắn với sự đóng góp của gia tộc Võ Hà.

Được giữ lại và có kế hoạch duy tu bảo tồn hợp lý, căn nhà cổ của đốc phủ Võ Hà Thanh sẽ trở thành một địa điểm tham quan nổi bật, tạo nên một mạng lưới không gian văn hóa của đô thị Biên Hòa có lịch sử lâu đời.

Đồng thời cùng với công trình trọng điểm xây dựng đường ven sông, biệt thự cổ có khả năng góp phần làm tăng thêm giá trị cảnh quan cho tuyến đường du lịch thủy - bộ ven sông Đồng Nai.